Kiểm tra chuyên ngành “hành” doanh nghiệp
Khi hàng hóa bị kiểm quá nhiều | |
Khẩn trương ban hành danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành |
Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến thủy hải sản cho biết, thời gian qua DN cảm thấy rất mệt mỏi vì phải liên tục tiếp các đoàn làm việc kiểm tra chuyên ngành. Điều này không những gây mất thời gian, mà còn khiến cho DN tăng chi phí, thậm chí phải tìm đủ mọi cách xoay xở để đáp ứng dù biết rằng đó là những quy định “tréo ngoe”, không cần thiết.
Việc kiểm tra chuyên ngành còn nặng về hình thức |
Chẳng hạn, có quy định phải dán nhãn phụ tiếng Việt đối với các sản phẩm là thành phẩm phân phối ra thị trường, nhưng với nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu hoặc gia công hàng xuất khẩu không lưu thông tiêu thụ trong nước thì quy định này là không cần thiết và gây lãng phí cho DN.
Bà Lê Thị Trang, Phó giám đốc CTCP GN Foods (Long An) cho rằng, nhiều khi việc kiểm tra chuyên ngành còn nặng về hình thức. Không ít quy định được áp dụng song chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên bản thân DN không thể biết các chỉ tiêu kiểm tra như vậy có phù hợp và đầy đủ hay không.
Dù ở một lĩnh vực khác, nhưng ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty thép Khương Mai cũng có chung nỗi khổ. Theo ông Khương, việc kiểm tra chuyên ngành liên tục và chồng chéo là một trong những nguyên nhân khiến tăng chi phí giá thành sản phẩm. Hiện, phí kiểm tra chuyên ngành làm “đội” giá thành sản phẩm của ngành thép lên khoảng 20 đồng/kg. Trong môi trường hội nhập toàn cầu, việc tăng giá thành sẽ ảnh hưởng lớn đến thị phần, cũng như làm giảm sức cạnh tranh của DN thép nội địa.
Theo báo cáo quý I/2017 của UBND TP.HCM, 3 tháng đầu năm 2017 toàn ngành thanh tra thành phố đã thực hiện thu hồi gần 10 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác hơn 7 tỷ đồng đối với các sai phạm. Riêng thanh tra chuyên ngành, đã thực hiện đến 4.538 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành với 112 cuộc có thành lập đoàn, 4.406 cuộc thanh tra, kiểm tra độc lập và 20 lượt kiểm tra định kỳ của Sở NN-PTNT...
Chưa biết kết quả đến đâu, nhưng việc thực hiện quá nhiều các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành một cách chưa hợp lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Ông Phạm Thanh Bình, đại diện USAID thẳng thắn chia sẻ, kiểm tra chuyên ngành quá nhiều với vô số các thủ tục, giấy tờ khiến DN như rơi vào “ma trận”, nên để nhanh chóng “thoát khỏi”, không có cách nào khác là phải bỏ chi phí “bôi trơn”.
Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, dù thời gian qua đã có rất nhiều cuộc họp bàn, tham mưu, góp ý nhằm giảm thiểu sự chồng chéo của thủ tục hành chính, hạn chế bất cập từ việc kiểm tra chuyên ngành, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Đặc biệt là chuyện một mặt hàng xuất nhập khẩu phải chịu sự quản lý của 3 - 4 bộ ngành cùng lúc, trong khi đó, mỗi bộ ngành lại có tư duy, quan điểm và cách quản lý khác nhau về kiểm tra chuyên ngành, nên cuối cùng DN vẫn phải gánh chịu dù đã rất nhiều lần tham gia góp ý, thậm chí phản ảnh gay gắt thông qua các buổi làm việc, diễn đàn.
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra dẫn chứng cụ thể, hiện nay chi phí cho khâu logistics chiếm khoảng 20% GDP, tương đương 40 tỷ USD/năm. Do đó, nếu giảm được một phần trăm của khâu này sẽ giúp tiết kiệm cho nước nhà được 4 tỷ USD/năm, hoặc đơn giản, chỉ cần giảm thời gian kiểm tra thông quan một ngày cũng sẽ tiết kiệm lên đến 800 triệu USD/năm.
Song điều khiến TS. Cung băn khoăn chính là chuyện kiểm tra chuyên ngành. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra cam kết giảm tỷ lệ kiểm tra xuống khoảng 15% từ năm 2015, nhưng thực tế đến nay số kiểm tra chuyên ngành vẫn đang ở mức 30%. Điều này đặt ra nhiều vấn đề phải nhanh chóng cải cách, giúp tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt trên trường quốc tế.