Khẩn trương ban hành danh mục hàng phải kiểm tra chuyên ngành
Kiểm tra chuyên ngành: Chưa thấy tạo thuận lợi, chỉ thấy tăng cường quản lý | |
“Nghẹt thở” vì kiểm tra chuyên ngành | |
Khổ vì kiểm tra chuyên ngành |
Bộ Tài chính đã trình Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về kết quả rà soát. Trong đó có rà soát những mặt hàng xuất nhập khẩu hiện đang phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, nhiều chứng từ kiểm tra chuyên ngành. Trong đó có những mặt hàng vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm hoặc chất lượng như sữa chua, pho mat… hay như kén tằm vừa phải kiểm dịch động vật lẫn thực vật… Có những mặt hàng như phân bón phải chịu 3 loại quản lý, kiểm tra là giấy phép nhập khẩu, chứng nhận chất lượng và chất lượng hợp quy…
Ảnh minh họa |
Có những mặt hàng phải qua sự kiểm tra của những đơn vị khác nhau ngay cùng một bộ. Đơn cử như thịt, vừa phải kiểm dịch động vật, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 3 đơn vị trong cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Gạch, đá, kính xây dựng vừa phải kiểm tra chất lượng và phải có chứng nhận hợp quy của Bộ Xây dựng…
“Việc nhiều bộ ngành áp dụng cùng lúc nhiều chế độ, phương thức quản lý với cùng một mặt hàng đã làm tăng chi phí, thời gian, mất nhiều cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của DN, lãng phí ngân sách nhà nước và đôi khi còn gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước”, theo Bộ Tài chính.
Nguyên nhân của tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành là các Bộ quản lý chuyên ngành chưa thống nhất trong phương thức quản lý; khi ban hành chưa đánh giá tác động đầy đủ. Danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra quá rộng, không chi tiết tên hàng. Nhiều văn bản ban hành đã lâu, không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được bãi bỏ.
Các chế độ quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành quy định không thống nhất về thủ tục, cách thức thực hiện, dẫn đến có nhiều loại chứng từ do các Bộ quản lý chuyên ngành cấp cho hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng không rõ chứng từ nào là giấy phép, giấy chứng nhận điều kiện xuất nhập khẩu, giấy phép tự động, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, công bố sự phù hợp, xác nhận khai báo hóa chất.
Theo Nghị quyết 19, các Bộ quản lý chuyên ngành trong quý 1/2017 phải ban hành Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiêm tra; chuyển mạnh sang hậu kiểm; rà soát, sửa đổi các quy định về tiếp nhận công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục; không yêu cầu tiếp nhận công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn quốc gia... Tuy nhiên, đến nay chưa có Bộ quản lý chuyên ngành nào ban hành danh mục hàng hóa theo hướng rút gọn mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan, Bộ Tài chính báo cáo. “Như vậy, là chưa thực hiện nghiêm Nghị quyết 17-2017/NQ-CP của Chính phủ. Để đôn đốc, Văn phòng Chính phủ kính trình Phó Thủ tướng cầu các Bộ khẩn trương thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện”, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có ý kiến.
VPCP cho rằng có một số loại chứng từ có chung bản chất, nội dung kiểm tra tương tự như Bộ Tài Chính phản ánh. Tuy nhiên cũng có những chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành như Bộ Tài Chính nêu chưa hẳn về bản chất là có nội dung tương tự như nhau (ví dụ giấy phép nhập khẩu có tính chất khác giấy phép nhập khẩu tự động hay hạn ngạch nhập khẩu...) và nhiều loại chứng từ là nhằm những mục tiêu quản lý, căn cứ theo những điều kiện kinh doanh pháp luật quy định. Vì vậy, việc này cần giao các Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối họp với Bộ Công Thương, Tài chính và Tư pháp rà soát kỹ lại, làm rõ căn cứ pháp lý và mục đích, yêu cầu quản lý của từng loại chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Trường hợp xác định những loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho DN về thời hạn thực hiện nhiệm vụ trên, VPCP kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ liên quan báo cáo thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 6/2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với cơ quan liên quan, rà soát thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo hướng không chồng chéo đối với cùng một mặt hàng phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan. Các Bộ quản lý chuyên ngành khẩn trương ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan theo đúng nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19.
Các Bộ quản lý chuyên ngành liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, làm rõ căn cứ pháp lý và mục đích, yêu cầu quản lý của từng loại chứng từ quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Những loại chứng từ có tên gọi khác nhau nhưng bản chất nội dung kiểm tra tương tự nhau thì sửa đổi, điều chỉnh theo hướng thống nhất dùng một loại chứng từ để tạo thuận lợi cho DN.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện những nhiệm vụ trên trong tháng 6/2017.