Kinh nghiệm quốc tế về số hóa ngân hàng
Ứng dụng BlockChain
Xuất hiện từ khoảng năm 2008, công nghệ BlockChain với những tiềm năng to lớn đã làm “chao đảo” giới công nghệ cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực liên quan thời kỳ đó.
Xu hướng số hóa trong ngành NH ngày càng mạnh mẽ |
Đây là công nghệ cho phép lưu trữ và truyền tải dữ liệu thông qua các khối dữ liệu được mã hóa với tốc độ gần như tức thời và khả năng lưu trữ không hạn chế nhờ mạng lưới khổng lồ những máy tính liên kết với nhau. Đặc trưng của công nghệ này là tính bất biến và minh bạch, khi thông tin không thể bị thay đổi và dữ liệu mới chỉ có thể được bổ sung khi có sự đồng thuận của tất cả thành viên trong hệ thống.
Hơn nữa, tính phi tập trung của BlockChain, không phụ thuộc vào bên trung gian nắm giữ và xác nhận thông tin, giúp giảm nhẹ “yếu tố niềm tin” vốn thường là yêu cầu tiên quyết trong các giao dịch với nhiều bên đối tác. Với những đặc tính trên, BlockChain mở ra nhiều khả năng ứng dụng trong ngành NH, điển hình như chuyển tiền quốc tế, tài trợ thương mại, cho vay hợp vốn…
Vào tháng 3/2016, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) và Hiệp hội Thanh toán Canada đã phối hợp triển khai Dự án Jasper nghiên cứu mô hình chuyển tiền liên NH sử dụng công nghệ BlockChain. Theo đó, tính khả thi của công nghệ này trong thanh toán liên NH được phân tích, đánh giá và xem xét việc ứng dụng vào mô hình quyết toán tổng tức thời (Real Time Gross Settlement - RTGS) cũng như cơ chế đảm bảo thanh khoản (Liquidity Saving Mechanisms - LSM). Không dừng lại ở đó, BoC còn cho phép xây dựng mô hình thử nghiệm nền tảng thanh toán chứng khoán với sự tham gia của Sàn Giao dịch chứng khoán Toronto.
Sau đó vài tháng tại Singapore, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã phối hợp cùng gần 20 NH uy tín triển khai Dự án Ubin xây dựng thử nghiệm chuyển tiền liên NH sử dụng BlockChain. Dự án gồm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tập trung đánh giá tính khả thi của mô hình chuyển tiền nội địa liên NH, và giai đoạn sau xây dựng thử nghiệm mô hình quyết toán tổng tức thời.
Định danh khách hàng
Việc làm sao vừa đảm bảo tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, vừa gia tăng trải nghiệm khách hàng luôn là thách thức lớn đối với các NH. Theo phương thức truyền thống, khách hàng giao dịch cần trực tiếp đến chi nhánh NH để xác định danh tính cũng như thu thập chữ ký. Phương thức này tồn đọng nhiều rủi ro, khi phụ thuộc vào nhận định chủ quan của giao dịch viên, đồng thời gây khó khăn cho những khách hàng tại khu vực vùng sâu vùng xa.
Trong khi đó, sự ra đời của hàng loạt các nền tảng công nghệ mới đã cho phép các NH cân bằng yêu cầu tuân thủ và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Nhiều NH trên thế giới đã có thể thực hiện KYC qua nền tảng số như smartphone, máy tính bảng, máy ATM với chức năng gọi video trực tiếp.
Nhờ đó, NH có thể thiết lập quan hệ với khách hàng tại những khu vực xa trung tâm một cách nhanh chóng, giảm thiểu tối đa thủ tục, quy trình mà khách hàng phải hoàn tất. Về dài hạn, những giải pháp công nghệ trong định danh khách hàng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược Tài chính Toàn diện mà nhiều nước trong đó có Việt Nam đang theo đuổi.
Tại Thái Lan, một số hình thức KYC trên nền tảng kỹ thuật số đã được hợp pháp hóa, cụ thể bao gồm các hình thức như: Cuộc gọi hình ảnh trực tuyến với tư vấn viên trong suốt quá trình đăng ký mở tài khoản; Chữ ký điện tử của khách hàng… Việc xác thực thông tin và tài liệu nhận dạng của khách hàng phải được thực hiện bằng thiết bị đọc thẻ thông minh và/hoặc thông qua hệ thống thông tin cá nhân, nhận diện thẻ căn cước, hoặc nhận dạng vân tay của cơ quan Nhà nước.
Tại Đức, nhiều NH cũng đã áp dụng phương thức KYC từ xa thông qua công nghệ video trực tiếp. Giải pháp này đã được hợp thức hóa bởi quy định về Dịch vụ nhận dạng điện tử và các dịch vụ tin cậy đối với các giao dịch điện tử (eIDAS) của Nghị viện châu Âu (công nhận tính pháp lý của văn bản ký điện tử) và Thông tư 01/2014 (GW) của Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức cho phép thực hiện định danh khách hàng thông qua công nghệ video trực tiếp.
Năm 2016, Nghị viện châu Âu cũng đã thông qua Chỉ thị dịch vụ thanh toán (PSD2) cho phép bên thứ ba thu thập thông tin nhận dạng của khách hàng tại NH thông qua kết nối giao diện lập trình ứng dụng mở (open API) với sự chấp thuận của khách hàng đó, nhờ vậy giúp định danh một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Khuyến khích NH thử nghiệm công nghệ mới
Có thể thấy, việc nghiên cứu, tiếp nhận các công nghệ mới trong ngành NH thì vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước tại các quốc gia là vô cùng quan trọng. Cơ quan quản lý Nhà nước là đơn vị tiên phong tìm hiểu, đánh giá tính khả thi cũng như cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn của những giải pháp mới, cũng như có trách nhiệm thúc đẩy ứng dụng của các công nghệ này vào thực tế.
Hơn nữa, lợi ích của các giải pháp chỉ có thể được tận dụng tối đa, trong khi rủi ro được giảm thiểu khi các NH nhận được sự hậu thuẫn của cơ quan quản lý Nhà nước, đến từ khả năng giám sát bao quát, quản lý và điều phối linh hoạt các nguồn lực của xã hội.
Như tại Singapore, MAS luôn nắm thế chủ động trước mọi làn sóng công nghệ mới. Điển hình là môi trường thử nghiệm cho Fintech được ra đời từ tháng 6/2016, với mục đích khuyến khích các tổ chức tài chính thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường độc lập, giúp hạn chế rủi ro và đảm bảo có sự đánh giá toàn diện về giải pháp công nghệ trước khi ứng dụng rộng trong thực tế. Hơn nữa như đề cập ở trên, MAS cũng là đơn vị đứng đầu Dự án Ubin thử nghiệm ứng dụng BlockChain trong thanh toán liên NH, với sự tham gia của nhiều NH, công ty công nghệ uy tín.
Vào tháng 3 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố Kế hoạch hành động Fintech, đề cập đến các vấn đề liên quan đến giấy phép, ủy quyền và tiêu chuẩn hóa trong công nghệ tài chính, cũng như các giải pháp quản lý tiền mã hóa, điện toán đám mây, BlockChain và an ninh mạng. Kế hoạch này nhằm tạo điều kiện mở rộng hoạt động các mô hình kinh doanh áp dụng công nghệ mới, khuyến khích việc tiếp nhận các giải pháp công nghệ trong ngành tài chính, cũng như củng cố an ninh bảo mật trong ngành.
Nhận biết được tầm quan trọng và sự tác động mạnh mẽ của CMCN 4.0, NHNN Việt Nam thời gian qua đã chủ động thực hiện nhiều hoạt động của ngành để bắt kịp xu hướng này, đặc biệt là cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Những kinh nghiệm của quốc tế trên đây có thể xem là những nguồn tư liệu quý để chúng ta nghiên cứu tham khảo, thí điểm và tiến tới áp dụng trong tương lai.