Kinh tế Mỹ chậm lại trong quý đầu năm không làm Fed nhụt chí
Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ được dự báo sẽ cải thiện nhờ gói cắt giảm thuế |
Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu (27/4) cho biết, tổng sản phẩm trong nước của Mỹ tăng trưởng với tốc độ hàng năm 2,3% trong quý đầu năm, chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 2,9% của quý 4/2017.
Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn còn khả quan hơn nhiều con số ước tính của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Reuters khi họ chỉ dự báo GDP quý 1 của Mỹ tăng với tốc độ 2,0%.
Tăng trưởng chậm lại trong quý đầu năm một phần do chi tiêu của doanh nghiệp vào thiết bị và đầu tư xây dựng nhà yếu ớt. Tuy nhiên những yếu tố này được bù đắp một phần bởi sự gia tăng hàng tồn kho và thu hẹp thâm hụt thương mại. Đáng chú ý, nhu cầu nội địa (vốn chiếm tới 2/3 các hoạt động kinh tế của Mỹ) chỉ tăng 1,7%, chậm nhất trong hai năm, sau khi tăng với tốc độ 4,8% trong 3 tháng cuối năm 2017.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, mức tăng trưởng khiêm tốn của quý đầu tiên có lẽ không phản ánh đúng sức khỏe của nền kinh tế vì GDP có xu hướng chậm chạp vào đầu năm do yếu tố mùa vụ.
Các nhà kinh tế kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc trong quý 2 khi nhiều hộ gia đình cảm nhận được hết tác động của gói cắt giảm thuế thu nhập trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của chính quyền Trump đến tiền lương của họ.
Thuế suất thuế nhu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân thấp hơn cũng như chi tiêu chính phủ tăng sẽ có khả năng kích thíc tăng trưởng kinh tế hàng năm gần với mục tiêu 3% của chính quyền.
“Cắt giảm thuế và tăng chi tiêu chính phủ sẽ dẫn đến hoạt động kinh tế tổng thể tốt hơn”, Joel Naroff - kinh tế gia trưởng của Naroff Economic Advisors ở Hà Lan, Pennsylvania cho biết.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, các quan chức Fed nhiều khả năng sẽ bỏ qua sự chậm lại của nền kinh tế trong quý đầu tiên. Fed đã tăng lãi suất vào tháng trước với sự đồng tình là thị trường lao động và nền kinh tế mạnh mẽ, và dự báo tăng lãi suất ít nhất là hai lần nữa trong năm nay.
Biên bản cuộc họp ngày 20-21/3 được công bố đầu tháng này cũng cho thấy, các nhà hoạch định chính sách “kỳ vọng rằng sự chậm lại trong quý đầu tiên sẽ tạm thời”, trích dẫn “yếu tố mùa vụ trong dữ liệu, và nói chung là nền tảng kinh tế vẫn mạnh”.
Tuy nhiên, sự nhảy vọt trong tăng trưởng tiền lượng và sự tăng tốc của lạm phát trong quý đầu năm sẽ thu hút sự chú ý khi các quan chức Fed khi họ gặp nhau vào thứ Ba và thứ Tư tới.
Trong một báo cáo khác cũng được công bố vào thứ Sáu, Bộ Lao động cho biết, tiền lương tại Mỹ tăng 0,9% trong quý đầu tiên so với quý trước. Đó là mức tăng lớn nhất kể từ quý 1/2007 và cao hơn nhiều mức tăng 0,5% trong quý 4/2017. Tính chung, tiền lương đã tăng 2,7% trong 12 tháng đến tháng 3 so với mức tăng 2,5% trong năm 12 tháng tính đến tháng 12/2017.
Bên cạnh đó, Báo cáo số liệu tăng trưởng GDP của Bộ Thương mại cũng cho thấy, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 2,5% - tốc độ nhanh nhất kể từ quý 4/2007, cao hơn nhiều mức tăng 1,9% của quý 4/2017. Trong khi mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%.
“Ngày càng khó để lập luận rằng mục tiêu lạm phát 2% chưa đạt được”, Steven Blitz - Kinh tế gia trưởng của Mỹ tại TS Lombard, New York, nói. “Fed có thể tăng lãi suất vào tuần tới không? Không có khả năng, nhưng không có quy tắc nào ngăn cản họ. Một tuyên bố quyết liệt hơn đang đến”.
Đồng USD ban đầu tăng so với một rổ tiền tệ sau khi các dữ liệu này được công bố, nhưng đã nhanh chóng đảo chiều giảm trở lại. Giá trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng nhẹ (lợi suất giảm) trong khi các cổ phiếu trên phố Wall giảm.