Kinh tế vĩ mô ổn định là nền tảng cho tái cơ cấu ngân hàng
Thuận lợi, thách thức đan xen
Hiện kinh tế vĩ mô ổn định tạo cơ sở để lãi suất, tỷ giá hối đoái cũng ổn định và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố vững chắc. Ngoài ra kinh tế thế giới phục hồi trở lại, kinh tế Việt Nam cũng thuận lợi theo. Đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng ổn định. Thuận lợi nữa vô cùng quan trọng là thị trường BĐS phục hồi. Các xếp hạng hệ thống ngân hàng và nền kinh tế theo các chuẩn mực cạnh tranh đều có cải thiện.
Tất cả yếu tố đó tạo ra không gian tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn II rộng rãi hơn, ít bị sức ép về rủi ro hệ thống hơn. Mặt khác trọng tâm của tái cơ cấu ngân hàng là xử lý nợ xấu đã có thêm những công cụ pháp lý mới để ngân hàng bước vào tái cơ cấu giai đoạn II. Đó là Nghị quyết 42 của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD.
Chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực |
Mặc dù thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Khó khăn lớn nhất là các NHTM yếu kém chưa thực sự lớn mạnh như mong muốn. Dù chất lượng tài sản của các ngân hàng đã cải thiện hơn nhưng vẫn kém. Mặt khác chuẩn mực về quản trị ngân hàng trên thế giới tiến bộ nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính, nên ngày càng bỏ xa chuẩn mực hiện tại của Việt Nam khiến cho mục tiêu cải cách lần thứ hai nặng nề hơn. Đặc biệt là khía cạnh đổi mới quản trị, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Bên cạnh đó, công nghệ ngân hàng đang phát triển như vũ bão, điều này đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống ngân hàng trong việc phát triển công nghệ. Bởi nếu phát triển công nghệ chậm, dịch vụ dựa vào nền tảng công nghệ cũng chậm theo. Do công nghệ còn lạc hậu sẽ dẫn đến chi phí hoạt động như mở rộng mạng lưới, nhân lực, quản trị cũng bị đẩy cao nên cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực đang bị doãng khoảng cách. Và đấy là thách thức lớn của tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn II.
Nhiều điểm sáng, nhưng vẫn còn điểm mờ
Nhờ có những yếu tố thuận lợi như kinh tế phục hồi, nền tảng pháp lý hoàn thiện… nên chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng được cải thiện một bước; đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh.
Kết quả tích cực nữa, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định nên thanh khoản của hệ thống ngân hàng được giữ vững. Có lẽ trong tất cả các giai đoạn chưa có giai đoạn nào thanh khoản ngân hàng vững như vài năm trở lại đây. Điều này cho thấy, các ngân hàng có kinh nghiệm quản lý thanh khoản, đồng thời cách thức điều hành thanh khoản NHNN vững vàng, thành công hơn.
An toàn vốn tối thiểu của các ngân hàng cũng được cải thiện, thậm chí nhiều ngân hàng đã đạt được hệ số an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II. Tuy nhiên, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng quốc doanh vẫn còn thấp vì mấy ngân hàng này không có cơ hội để tăng vốn. Đây là vấn đề Chính phủ cần phải quan tâm xử lý trong thời gian tới.
Một điểm sáng là trình độ quản trị của các ngân hàng cũng được cải thiện tích cực. Một số ngân hàng như ACB, VPBank, MB… đã áp dụng chuẩn mực quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ để tiết giảm chi phí, quản lý chất lượng dịch vụ và để giám sát rủi ro. Nhờ nền tảng quản trị tốt hơn, nhiều ngân hàng đưa ra gói dịch vụ mới tiện ích, hiện đại. Đặc biệt, có những ngân hàng xây dựng cả hệ thống ngân hàng bán lẻ khá hoàn chỉnh từ thiết kế sản phẩm cho đến cho vay quản lý nợ, quản lý rủi ro.
Điểm tích cực nữa là khả năng sinh lời của các NHTM rất đáng khen ngợi. Nhìn toàn cảnh số ngân hàng lỗ rất ít, thậm chí nếu không vì khoản nợ xấu cũ thì gần như tất cả các ngân hàng đều có lợi nhuận. Khả năng sinh lời tốt hơn đã góp phần cải thiện căn bản khả năng chống chọi của ngân hàng trước các cú sốc tài chính từ bên ngoài; khả năng xử lý nợ xấu cũng tăng lên, tiến độ đầu tư mới công nghệ tốt hơn...
Với nhiều điểm sáng, nhưng quá trình tái cơ cấu của ngân hàng có vẻ chậm hơn so với mục tiêu đặt ra và vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho NHNN trong quá trình tái cơ cấu thời gian tới như xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu, công nghệ mới…
Củng cố nền tảng vững chắc
Như nói ở trên, tuy tái cơ cấu ngân hàng diễn ra hơi chậm, song thời gian tới, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định sẽ vẫn là bà đỡ cho tái cơ cấu ngân hàng, nhất là giữ vững thanh khoản của các nhà băng. Việc xử lý nợ xấu và “dọn dẹp” ngân hàng yếu cần phải có bước đi thận trọng, nếu không sẽ làm mất ổn định nền kinh tế, gây ra những hệ lụy khó lường. Cải tổ từ từ và chắc chắn là một quan điểm bài bản, dù thời gian đạt được có hơi chậm so với kỳ vọng đặt ra.
Trong thời gian tới tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần tiếp tục tập trung tới giải pháp sau. Thứ nhất, giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô làm bà đỡ cho tái cơ cấu ngân hàng, nhất là giữ vững thanh khoản ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục khai thác những lợi thế có được từ Nghị quyết 42 và Luật bổ sung, sửa đổi Luật Các TCTD, trong đó có 3 khía cạnh quan trọng: Các NHTM có quyền thu giữ tài sản đảm bảo; Thủ tục tố tụng rút gọn; Và xử lý lỗ lũy kế do nợ xấu cũ để lại bằng cách cho ngân hàng thoái dần (thay vì thoái ngay) lãi dự thu. Quy định này đã được Nghị quyết 42 cho phép thời gian thoái tối đa là 10 năm. Nếu bắt ngân hàng thoái ngay thì lãi sẽ chuyển thành lỗ. Chính vì vậy, Nghị quyết 42 rất quan trọng không chỉ thu hồi nợ xấu, mà còn cả chế độ hạch toán, kế toán.
Thứ ba, tìm biện pháp tăng vốn cho các NHTM, nhất là NHTM quốc doanh và đặc biệt là cho phép họ được giữ lại một phần lợi nhuận để tăng vốn.
Thứ tư, tạo ra một áp lực thực sự từ NHNN với NHTM về đổi mới quản trị, chấm dứt hẳn sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn và quản trị gia đình. Đặc biệt là có cơ chế tách bạch sở hữu và quản lý chuyên nghiệp. Chỉ khi làm được điều này, quản trị của các ngân hàng mới thay đổi được mạnh mẽ.
Thứ năm, phát triển công nghệ đang là một nhiệm vụ cốt tử của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này tạo ra lợi thế lớn về giảm chi phí ở nhiều khía cạnh như thời gian thanh toán, nhân lực, giảm các chi phí đào tạo, mở chi nhánh, quản trị rủi ro, tạo lập hệ thống thông tin khách hàng vững chắc… Giờ ngân hàng nào có cơ sở dữ liệu tốt về khách hàng thì có lợi thế, nhất là cho vay tiêu dùng. Có thể nói, chưa bao giờ, thông tin về khách hàng lại thành tài sản quý như hiện nay.
Thứ sáu, phải thay đổi toàn bộ quan điểm về đào tạo, từ đào tạo trường đại học đến đào tạo tại chỗ của NHTM đều phải trên nền tảng có thể dễ dàng tiếp cận với công nghệ 4.0, số hóa. Cải cách công nghệ ngân hàng chính là dùng số hoá quản lý nhân lực, chất lượng dịch vụ - đây là lĩnh vực rất phức tạp, số hoá xếp hạng khách hàng, phát triển dịch vụ mới và tạo ra không gian số cho khách hàng của mình không chỉ vay tiền, gửi tiền mà dùng các dịch vụ khác.