Kinh tế xanh cho phát triển bền vững
Để tiếp tục duy trì những thành quả tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, đòi hỏi đất nước ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay sang một mô hình mới hiệu quả hơn, mà tăng trưởng xanh được coi là một mô hình thích hợp để Việt Nam lựa chọn.
Kinh tế xanh tạo đà cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo (Ảnh minh họa)
Việt Nam đang xây dựng định hướng phát triển theo hướng thúc đẩy kinh tế xanh cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được công bố năm 2013, Việt Nam sẽ thay đổi mô hình phát triển kinh tế để đạt mức sử dụng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp về kinh tế và nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra đó là: tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống, coi trọng bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo PGS-TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận thức về nền kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn và việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh sẽ khó khăn.
Bên cạnh đó, với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính, nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn nên phát triển “kinh tế xanh” phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, đây là thách thức không nhỏ.
Mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới “Nền kinh tế xanh”.
Đã vậy, cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “Nền kinh tế xanh” ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có. Ông khẳng định, hướng tới nền kinh tế xanh, nếu chúng ta biết phát huy lợi thế nguồn vốn tự nhiên, sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững và rút ngắn khoảng cách phát triển, tạo ra thế ổn định về mặt chính trị, góp phần xóa đói giảm nghèo.
TS.Vũ Xuân Nguyệt Hồng – Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, trong giai đoạn phát triển mới, thì tăng trưởng xanh là một mô hình thích hợp để Việt Nam lựa chọn. Và thúc đẩy tăng trưởng xanh là một đòi hỏi từ nội tại nền kinh tế nước nhà.
Việt Nam phải sớm chớp lấy cơ hội, nhanh chóng chuyển những chính sách đã ban hành có liên quan thành hành động cụ thể để những chủ trương đúng đắn về tăng trưởng xanh hướng và phát triển bền vững được thực thi trên thực tế, tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong những năm tới đây.
Muốn vậy, Việt Nam phải vượt qua khá nhiều thách thức, trước hết, như ông Chinh đã nói, nhận thức của nhiều cán bộ và cơ quan nhà nước còn hạn chế. Hệ thống pháp luật chưa theo quan điểm tăng trưởng xanh/kinh tế xanh. Ví dụ, Chính phủ muốn thúc đẩy tăng trưởng xanh nhưng lại đang trợ cấp khá lớn cho sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.
Hơn nữa, theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của chiến lược tăng trưởng xanh về giảm cường độ phát thải đến năm 2020, Việt Nam cần tới 30 tỷ USD, nhưng ngân sách nhà nước có hạn. Vì vậy phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Và quan trọng nữa là còn thiếu nhiều công cụ chính sách khuyến khích DN và cộng đồng xã hội hành động theo hướng kinh tế xanh-tăng trưởng xanh.
Phân tích mặt tiêu cực nếu không phát triển kinh tế xanh, ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN Việt Nam) cho biết, hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, làm tăng chi phí hoạt động do phải nộp phạt, bị mất thị phần do khách hàng “tẩy chay”, giá trị DN trên thị trường giảm sút.
Theo sau DN là các “chủ nợ” của DN cũng bị ảnh hưởng. Nợ xấu phát sinh, uy tín các TCTD là chủ nợ cũng sẽ bị giảm sút. Để ngăn chặn tác động tiêu cực này, các định chế tài chính, các TCTD phải có những hoạt động cụ thể hơn trong việc quản lý rủi ro môi trường, xã hội khi xem xét cấp tín dụng đối với DN.
Hệ thống ngân hàng - với vai trò quan trọng là dẫn vốn trong nền kinh tế - luôn phải tính đến yếu tố bền vững trong hoạt động quản trị rủi ro ngân hàng, hướng tới hệ thống ngân hàng xanh trong sự phát triển tổng thể của nền kinh tế xanh. Ông Dương cho biết, sẽ đưa quy định quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội vào trong hoạt động thẩm định đầu tư tín dụng để các DN mà ngân hàng đang hỗ trợ phát triển một cách bền vững.
NHNN đang hợp tác cùng IFC nghiên cứu để ban hành hướng dẫn và bộ công cụ đánh giá rủi ro môi trường, xã hội để NHTM áp dụng. NHNN đang nghiên cứu dự thảo thông tư, quy định các nguyên tắc chung quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư và bắt buộc tất cả NHTM phải áp dụng. Dự kiến thông tư sẽ được ban hành vào tháng 6/2014.
Linh Linh