Kon Tum: Đẩy nhanh tiến độ tái canh cà phê
Đến dự có ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum, Trưởng ban chỉ đạo tái canh cà phê tỉnh Kon Tum và một số Sở, ngành của tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố (thành viên Ban chỉ đạo tái canh cà phê tỉnh Kon Tum); Các chi nhánh Agribank tỉnh và huyện; đại diện một số hộ dân và các doanh nghiệp cà phê trên địa bàn.
Quang cảnh buổi làm việc |
Theo UBND tỉnh, đến cuối năm 2014, Kon Tum có diện tích cà phê hơn 14.100ha, theo kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2015 - 2020 tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện tái canh 2.180 ha cà phê, trong đó tái canh 1.430ha cà phê vối, 750ha cà phê chè. Trong đó, năm 2015 cần thực hiện tái canh trên 430ha.
Tại hội nghị nhiều nội dung đã được chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn, các doanh nghiệp cà phê và hộ sản xuất cà phê tham gia tập trung vào các nội dung như phân tích, đánh giá việc không phát sinh cho vay tái canh cà phê trên địa bàn bằng nguồn vốn của Agribank trong thời gian qua; tiến độ lập danh sách tổ chức, cá nhân thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn để cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố làm cơ sở để Agribank cho vay; đề nghị nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay và giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ dân thực hiện tái canh;
Kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Cục thuế xem xét giảm tiền thuế đất nông nghiệp trong thời gian thực hiện tái canh, chưa có sản phẩm; quản lý chất lượng giống cà phê tái canh và thực hiện theo quy trình tái canh đã được Cục Trồng trọt ban hành; thông tin tuyên truyền về chính sách cho vay tái canh và các hỗ trợ của Agribank trong việc hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn, nhất là đối với hộ tái canh cà phê ở vùng sâu, vùng xa…
Tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum, đã giải đáp thỏa đáng nhiều băn khoăn, vướng mắc của các đại biểu trong việc triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê, đồng thời ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các đại biểu để tổng hợp, báo cáo các Bộ, ngành có liên quan trong triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Hữu Hải nhấn mạnh, chính sách cho vay tái canh cây cà phê là nhằm giúp các hộ dân, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập cho người trồng cà phê, phát triển bền vững ngành cà phê. Vì vậy người dân, doanh nghiệp cần nhận thức rõ việc tái canh cà phề là phù hợp, trên tinh thần xem xét thực tế vườn cây và quyết định cần phải tái canh hay không?
Đồng thời, các Sở, ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương tái canh cây cà phê, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đặc biệt là thủ tục cho vay để thuận lợi cho người dân trong quá trình tiếp cận nguồn vốn. Để đơn giản thủ tục, người dân hiểu được chủ trương, cách thức, quy trình thủ tục vay thì ngành nông nghiệp, ngân hàng cần có sự phối hợp trong công tác tuyên truyền sâu rộng đến với người dân.