Kỳ vọng xuất khẩu gỗ
Tại Hội thảo “Phát triển bền vững thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Bình Định vừa tổ chức, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Việt Nam (VFA) cho biết, năm 2000 cả nước mới chỉ có 741 DN chế biến gỗ lâm sản, đến nay tăng lên 3.934 DN.
Ngoài ra, cả nước còn có hơn 340 làng nghề với hàng vạn hộ gia đình, cơ sở chế biến gỗ. Việt Nam đã hình thành một số trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ lớn như, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai…
Chế biến, xuất khẩu gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội |
Với nhiều nỗ lực, ngành chế biến gỗ, lâm sản trở thành một trong những ngành có giá trị xuất khẩu hàng đầu Việt Nam. Theo đó, tổng giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của cả nước năm 2014 đạt 6,23 tỷ USD. Năm 2015, ước đạt 7 - 7,2 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Asean, thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu gỗ. Đồ gỗ, sản phẩm từ lâm sản Việt Nam hiện có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ…
Tuy có nhiều thuận lợi, song xuất khẩu gỗ của Việt Nam không hoàn toàn là gam màu sáng. Mặc dù đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, song ngành công nghiệp này vẫn đang gặp không ít khó khăn, thử thách. Trong đó, nổi lên là vấn đề nguyên liệu.
Thực tế, bên cạnh nguồn nguyên liệu từ rừng trồng và rừng tự nhiên trong nước, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam đang phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Bùi Xuân Lịch, Cục Xúc tiến thương mại, DN chế biến gỗ của Việt Nam đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu khoảng 4 triệu m3, chiếm trên 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành, với chi phí ngày càng tăng. Trong bối cảnh, lượng gỗ có chứng chỉ được khai thác từ khu vực rừng được quản lý bền vững, tăng giá càng khiến các DN gặp khó.
Bên cạnh, thiếu nguyên liệu xuất khẩu gỗ Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ - Lâm sản Bình Định (FPA) cho biết, ngoài vấn đề nguyên liệu DN chế biến, xuất khẩu gỗ trên địa bàn còn chịu khá nhiều áp lực về chính sách thuế và thủ tục hành chính.
Ngoài ra, còn có thể kể đến những khó khăn do năng lực sản xuất của người lao động trong ngành chế biến, sản xuất gỗ còn thấp; Trình độ công nghệ, quản trị kinh doanh, quảng bá sản phẩm còn những hạn chế, liên kết giữa các DN ngành gỗ còn yếu...
Để hỗ trợ xuất khẩu gỗ tiếp tục được đà tăng trưởng, Chính phủ đã có đề án, tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên đến năm 2020. Theo đó, sau năm 2020 sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, từng bước thay thế gỗ nhập khẩu. Bên cạnh, các cơ quan chức năng cũng đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ khâu chế biến, mua bán gỗ để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ, sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh những hỗ trợ của cơ quan chức năng… các DN chế biến, xuất khẩu gỗ cũng phải nỗ lực, chủ động tìm hướng phát triển ổn định và bền vững.
Theo đó, các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu và triển vọng của từng thị trường; Đồng thời, tích cực tham gia các kỳ hội chợ chuyên ngành cả trong lẫn ngoài nước; Đẩy mạnh xuất khẩu song vẫn phải coi trọng thị trường nội địa… Phấn đấu đến năm 2020, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch khoảng 15 tỷ USD, đưa chế biến, xuất khẩu gỗ thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.