Lá cờ đầu hỗ trợ DNNVV
Vietcombank tiếp tục được Asian Banker vinh danh | |
Nỗ lực đưa dịch vụ đến với doanh nghiệp |
Để hiểu rõ hơn những “trợ lực” mà Vietcombank dành cho khối DNNVV, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank.
Thời gian qua, Vietcombank luôn tập trung nhiều nguồn lực và chính sách ưu đãi cho các DNNVV |
Xin ông cho biết một số hỗ trợ chủ yếu mà DNNVV nhận được khi tham gia vay vốn của Quỹ SMEDF?
Các chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ là các chương trình mà Chính phủ ưu tiên triển khai, do vậy DN sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, Quỹ và các NH nhận ủy thác. Thứ nhất, các chương trình hỗ trợ tài chính đối với DNNVV của Quỹ có mức lãi suất ưu đãi 7%/năm, được cố định trong suốt thời hạn vay vốn; thứ hai, thời hạn vay vốn dài hạn lên tới 10 năm.
Ngoài ra, DNNVV còn nhận được các ưu đãi như: Nhận hỗ trợ tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án (tối đa 25-30 tỷ đồng) từ nguồn vốn của Quỹ, và tối đa 10% tổng mức đầu tư của dự án từ nguồn vốn của NH ủy thác; Tham gia vào các chương trình tư vấn, đào tạo, kết nối kinh doanh do Quỹ tổ chức; Chủ động trả nợ trước hạn và được miễn phí trả nợ trước hạn; Áp dụng phương thức trả nợ đa dạng, được thiết kế phù hợp với dòng tiền trả nợ của DNNVV; Sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi khác do NH nhận ủy thác cung cấp. Các chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ cũng thường xuyên thay đổi để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của DNNVV trong từng thời kỳ.
Vậy vay vốn từ Quỹ SMEDF có ưu điểm gì khác biệt so với các chương trình cho vay thông thường dành cho DNNVV?
Khác biệt lớn nhất mà các DNNVV nhận được là mức lãi suất cho vay ưu đãi 7%/năm, cố định trong suốt thời hạn vay vốn 10 năm. Điều này giúp DNNVV quản lý được chi phí đầu vào và hoàn toàn chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình. Nếu lãi suất thị trường có xu hướng tăng, Quỹ cam kết giữ nguyên lãi suất cho vay. Ngược lại, nếu lãi suất thị trường giảm, Quỹ sẽ xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho DNNVV.
Trong quá trình triển khai nhận vốn ủy thác cho Quỹ, NH nhận ủy thác gặp khó khăn gì, thưa ông?
Bên cạnh những ưu đãi như đã nói ở trên, thực tế cũng cho thấy một số khó khăn không chỉ đối với NH trong việc triển khai chương trình mà còn đối với cả DN trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Thứ nhất, đối tượng được tham gia vay vốn từ Quỹ còn hạn chế do Quỹ hiện chỉ ưu tiên cho vay đối với các DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực: Hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Do vậy, nhiều DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực khác có dự án kinh doanh khả thi chưa được nhận vốn tài trợ.
Thứ hai, các DNNVV là đối tượng của Quỹ chủ yếu là các DN nhỏ/siêu nhỏ, DN khởi nghiệp…, mặc dù có dự án kinh doanh khả thi song kỹ năng lập hồ sơ vay vốn phù hợp còn yếu, năng lực tài chính hạn chế, kinh nghiệm quản trị điều hành còn thiếu, tài sản đảm bảo không đủ nên việc cấp tín dụng khó thực hiện.
Thứ ba, nguồn vốn của Quỹ SMEDF được bảo toàn, NH nhận ủy thác phải chịu 100% rủi ro tín dụng. Trong quá trình triển khai dự án sản xuất kinh doanh, nếu DNNVV gặp khó khăn trong việc trả gốc, lãi hoặc cả gốc và lãi cho NH thì NH sẽ đối mặt với rủi ro thất thoát vốn trong khi vẫn phải đáp ứng đúng nghĩa vụ trả gốc/lãi cho Quỹ khi đến hạn. Do vậy, nếu có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa NH nhận ủy thác và Quỹ thì việc triển khai dự án sẽ thuận lợi hơn.
Theo ông, các DN cần hoàn thiện ở khâu nào để sớm tiếp cận được nguồn vốn của Quỹ?
Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu cấp tín dụng của NH, DNNVV cần đảm bảo dự án sản xuất kinh doanh phải đáp ứng 5 tiêu chí ưu tiên để được Quỹ lựa chọn tài trợ, bao gồm: Sản phẩm đầu ra (sản xuất sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới); Tính đổi mới (đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động; chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao);
Năng lực quản trị, điều hành của DN (năng lực, kinh nghiệm quản trị điều hành của người quản lý DN); Tạo việc làm và yếu tố về giới (dự án, phương án sản xuất kinh doanh tạo nhiều việc làm mới; dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động nữ); Thân thiện với môi trường.
Ngay sau khi ký kết Thỏa thuận khung ủy thác cho vay với Quỹ SMEDF, Trụ sở chính Vietcombank đã khẩn trương ban hành hướng dẫn triển khai sản phẩm cho vay DNNVV từ nguồn vốn ủy thác của Quỹ SMEDF, đồng thời phối hợp với Quỹ triển khai nhiều chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo DNNVV trên mọi miền Tổ quốc.
Sau hơn một năm triển khai, đã có hơn 30 DNNVV gửi hồ sơ xin vay vốn của Quỹ SMEDF qua Vietcombank với tổng số vốn đăng ký vay đạt gần 500 tỷ đồng, trong đó có 25 DNNVV được Quỹ SMEDF giới thiệu cho Vietcombank và 6 DNNVV trực tiếp đăng ký vay vốn tại các Chi nhánh Vietcombank.
Hai trong số 6 DN này đã được Quỹ SMEDF chấp thuận tài trợ với tổng giá trị vốn vay trên 12 tỷ đồng (Công ty CP tư vấn XD & TM Việt Á: 9,6 tỷ, Công ty CP Đại Hồng Sơn: 2,5 tỷ). Vietcombank đã thành lập bộ phận tư vấn (Call Center) trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho các DNNVV về tiêu chí, điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Quỹ.
Bên cạnh đó, DNNVV cũng nhận được tư vấn về cách lập phương án, dự án sản xuất kinh doanh phù hợp, đảm bảo đúng nhu cầu, mục đích sản xuất thực tế. Đồng thời, Ban chuyên trách tại Trụ sở chính Vietcombank phối hợp chặt chẽ với Quỹ, thường xuyên cập nhật thông tin và thực hiện các hoạt động truyền thông, tư vấn về chương trình của Quỹ trên toàn hệ thống. Quỹ và NH đã phối hợp xây dựng quy trình tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính đơn giản, tinh gọn để tối đa hỗ trợ cho DNNVV tiếp cận:
Đối với các hồ sơ do DNNVV trực tiếp gửi tới Quỹ, Quỹ khẩn trương rà soát và nếu đáp ứng tiêu chí tài trợ, Quỹ sẽ thông báo và chuyển ngay cho NH nhận ủy thác để thẩm định dự án;
Đối với các hồ sơ do NH nhận ủy thác chuyển sang, ngay khi NH nhận được hồ sơ vay vốn, Quỹ đã phối hợp rà soát và tư vấn dự án có thuộc đối tượng ưu tiên của Quỹ hay không. Sau khi NH thẩm định và chuyển hồ sơ sang, Quỹ khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết để phê duyệt tài trợ/từ chối tài trợ và thông báo cho NH nhận ủy thác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!