Lãi suất áp lực từ nhiều phía
Tìm hiểu lãi suất huy động tại các ngân hàng | |
Đầu năm gửi tiền ở đâu | |
Lãi suất huy động dài hạn tăng nhẹ, ngắn hạn giảm nhẹ |
Gần đây, một số NHTM có điều chỉnh mức tăng lãi suất huy động, thu hút được sự chú ý của người gửi tiền. Trong đó, Eximbank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng lên đến mức 5,5%/năm, các kỳ hạn 6 tháng – 12 tháng OCB tăng lên gần 7%/năm, đối với kỳ hạn trung hạn NHTMCP Bản Việt tăng lên mức 7%/năm... Quan sát thực tế thì lãi suất huy động trong các NH tăng nhẹ từ 0,1 -1% trong 2 tháng đầu năm nay.
Một số lãnh đạo NHTM chia sẻ, việc tăng lãi suất các kỳ hạn mỗi lần tùy thuộc vào chiến lược của từng NH. Một số NHTM tranh thủ tăng để huy động thêm nguồn vốn, chứ không hẳn vì thanh khoản. Một số khác thì khẳng định trước đó NH mình đẩy mạnh tín dụng vào dịp cuối năm nên bước sang năm mới, NH phải đa dạng hóa các chương trình tiền gửi để thu hút nguồn vốn mới là chuyện bình thường.
Nhiều NHTM từ đầu năm đến nay liên tục điều chỉnh lãi suất huy động |
Thực ra, trước Tết Đinh Dậu, các NHTM đã có một đợt điều chỉnh lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu thanh khoản khi các tổ chức kinh tế rút tiền về chi trả lương, thưởng cho người lao động. Trong đợt tăng lãi suất đầu vào lần này, theo cơ quan quản lý, chỉ tập trung ở các NH nhỏ và không thể hiện xu hướng chung của thị trường. Trong khi đó, lãi suất VND trên thị trường liên NH tuần qua (27/2-3/3) tăng dần, lên mức 4%, sau đó điều chỉnh giảm nhẹ về cuối tuần.
Cùng thời điểm đó, NHNN cũng chào bán tín phiếu hút bớt tiền về trong hai phiên cuối tuần. Sang phiên đầu tuần này (6/3), lãi suất chào bình quân LNH VND giảm nhẹ 0,03 điểm phần trăm ở kỳ hạn qua đêm và không thay đổi ở các kỳ hạn dài hơn. Cụ thể, lãi suất qua đêm giao dịch ở mức 3,60%; 1 tuần là 3,83%. Các chuyên gia của BVSC dự báo diễn biến này có thể sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian còn lại của quý I/2017.
Cũng trong tuần qua, tỷ giá giao dịch trung bình tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm khá mạnh (34,7 đồng), về mức 22.791,5 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm có bước tăng nhẹ (4,6 đồng, lên mức 22.235,8 VND/USD).
Tuần vừa qua, NHNN đã bơm mới 10.860 tỷ đồng qua kênh OMO trong khi đó lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 15.715 tỷ đồng. Do vậy, 4.855 tỷ đồng đã được NHNN hút ròng qua kênh này.
Đồng thời, NHNN cũng đã phát hành tín phiếu loại kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày với tổng khối lượng lần lượt đạt 2.100 tỷ và 4.000 tỷ đồng, trong khi đó lượng vốn đáo hạn qua kênh này đạt 7.000 tỷ đồng. Như vậy, NHNN đã bơm ròng 900 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.
Tổng hợp cả hai kênh OMO và tín phiếu, nhà điều hành đã hút ròng về tổng cộng 3.955 tỷ đồng từ thị trường. Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đã có phần dư thừa hơn so với tuần trước đó. Chúng tôi dự báo diễn biến này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong 2-3 tuần tới.
Sức ép của đồng USD tăng trên thị trường quốc tế ít nhiều tác động vào VND là một thực tế đang diễn ra suốt từ cuối năm 2016 đến nay, đặc biệt theo lịch trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong ngày 13/3 tới đây, sẽ lại có cuộc họp để xem xét có nâng thêm lãi suất đồng USD nữa không vẫn đang là một ẩn số với thế giới. Hiện lãi suất định hướng của USD đang ở mức 0,75% nếu FED nâng mức này lên 1% thì VND sẽ bị một áp lực rất lớn.
Sức nóng của đồng USD thực ra đã lan vào VND từ nhiều tuần qua khi các NHTM liên tục giữ mức bán ra mỗi USD ở mức 22.850 đồng, trong khi đó kiểm soát lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu trong ổn định vĩ mô của Chính phủ. Chỉ số CPI tháng 1 đã tăng 5,2% so với cùng kỳ, Trung tâm nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo, lạm phát cuối năm 2017 có thể cán mốc 5,9%.
Cùng với đó, việc hơn 10 NHTM đang xây dựng áp dụng tiêu chuẩn an toàn theo chuẩn quốc tế Basel II và hạn định là đến tháng 9/2017 sẽ có báo cáo bước đầu, được coi là một khó khăn lớn nhất trong thời điểm này và những tháng tới.
Tăng vốn lúc này ngoài cách tăng lãi suất tiền gửi để thu hút, nhiều NH còn chọn cách phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn của mình (Vietcombank, ACB, NCB, VPBank). Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào đi nữa, từng NHTM phải hiểu hơn ai hết về vấn đề đảm bảo an toàn nguồn vốn của mình và giá vốn cho vay doanh nghiệp.
Theo báo cáo kinh tế năm 2016 của VEPR thì “Việt Nam có thể phải tăng lãi suất tiền gửi để giúp giữ giá trị tiền đồng và giữ tiền trong hệ thống NH”. Tuy nhiên, nếu FED không tăng lãi suất trong cuộc họp đầu tuần tới và lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ thì mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất như năm ngoái được xem là một thành công trong hỗ trợ doanh nghiệp.