Lãi suất chứng chỉ tiền gửi tăng nhưng ít người mua
Tìm hiểu về lợi ích của việc mua chứng chỉ tiền gửi | |
Tìm hiểu về chứng chỉ tiền gửi dài hạn ghi danh |
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi trên 10%/năm cho kỳ hạn 60 tháng của Ngân hàng Bản Việt hiện cao nhất thị trường |
Cụ thể, ngày 19/8, NHTMCP Bản Việt (VietCapital Bank) công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân có mệnh giá từ 10 triệu đồng và khách hàng tổ chức mệnh giá từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng. Tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi suất 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm. Theo Ngân hàng Bản Việt, các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi này được trả lãi theo 6 tháng, 12 tháng hoặc lĩnh lãi cuối kỳ.
Trước đó, vào tháng 5/2019 NHTMCP Việt Á (VietA Bank) cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 9,1%/năm đối với các kỳ hạn trung dài hạn, một số ngân hàng khác cũng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất bám sát 10%/năm nhưng chủ yếu kỳ hạn trên 12 tháng.
Phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một hình thức huy động vốn của các ngân hàng. Theo quy định hiện hành, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu (sau đây gọi là giấy tờ có giá) là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành với người mua giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.
Trong đó, giấy tờ có giá ghi danh là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu; còn giấy tờ có giá vô danh là giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ không ghi tên người sở hữu. Giấy tờ có giá vô danh thuộc quyền sở hữu của người nắm giữ giấy tờ có giá.
Không chỉ vậy, hiện các ngân hàng cũng đang trả lãi suất tiết kiệm khá cao đối với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Cụ thể ngày 17/8, NHTMCP An Bình (ABBank) công bố biểu lãi suất mới trong đó kỳ hạn 12 và 13 tháng lĩnh lãi cuối kỳ cao nhất của ngân hàng này lần lượt 8,5%/năm và 8,3%/năm. NHTMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) cũng trả lãi suất tiết kiệm từ 8,3-8,5%/năm đối với những kỳ hạn từ 13 tháng đến 36 tháng.
Hay NHTMCP Quốc Tế (VIB) cũng đang trả lãi suất tiết kiệm 8%/năm cho khoản tiền gửi từ 1-5 tỷ đồng khi người gửi tiết kiệm từ kỳ hạn 18 tháng trở lên điều này có nghĩa không dễ hưởng đỉnh lãi suất tiết kiệm như các lời quảng bá của các ngân hàng.
Tuy nhiên, do đặc tính kỳ hạn “cứng” của chứng chỉ tiền gửi, mặc dù lãi suất cao, nhưng không linh hoạt như lãi suất tiết kiệm kỳ hạn tương ứng nên không hấp dẫn bằng gửi sổ tiết kiệm. Giới ngân hàng cho rằng, các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi huy động vốn của các ngân hàng lúc mới tung sản phẩm ra thị trường rất sôi động. Nhưng không mấy ngân hàng thông báo kết quả của một chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi huy động được bao nhiêu vốn và chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm trong tổng nguồn vốn huy động của một ngân hàng riêng lẻ.
Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị phát hành giấy tờ có giá (trong đó có chứng chỉ tiền gửi) của các TCTD trên địa bàn TP.HCM đạt 137.299 tỷ đồng, tăng 40,95%. Tuy nhiên, nếu so sánh với tiền gửi tiết kiệm dân cư trên 1 triệu tỷ đồng của các TCTD trên địa bàn TP.HCM cùng thời gian này thì số dư huy động vốn qua kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng chỉ chiếm trên 10% so với tiền gửi tiết kiệm dân cư.
Bên cạnh đó, thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM mặt bằng lãi suất huy động bình quân của các TCTD trên địa bàn trong nửa đầu năm nay vẫn ở mức không cao hơn so với năm ngoái. Cụ thể lãi suất huy động bằng VND của các NHTM áp dụng phổ biến ở mức 5,16-5,43%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,60%/năm đối với các kỳ hạn từ 6-12 tháng, 6,73-7,9%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng.
Điều này củng cố thêm niềm tin lãi suất huy động cao chỉ xảy ra cục bộ ở một vài ngân hàng, hoặc những kỳ hạn dài còn lãi suất bình quân trong rổ giá vốn huy động của các ngân hàng không phải quá cao nên không đáng lo lãi suất cho vay sẽ đẩy lên cao. Còn lý giải có những ngân hàng huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, một chuyên gia ngân hàng cho biết, một trong những nguyên nhân căn cơ nhất là các ngân hàng này cần vốn trung dài hạn đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị máy móc trong dây chuyền sản xuất buộc phải dùng giá vốn đầu vào cao.