Lãi suất đang theo nhịp diễn biến kinh tế
Để cán đích thành công | |
Giữ lãi suất không tăng là thành công của nền kinh tế | |
Không lo lãi suất biến động! |
Lý do lãi suất liên NH giảm
Sau hơn 1 tuần liên tục giảm, ngày 5/9 lãi suất liên NH đã tăng nhẹ trở lại. Cụ thể, lãi suất qua đêm ở mức 0,8%/năm, tăng 0,14% so với phiên cuối tháng 8; lãi suất 1 tuần 0,9%/năm, so với phiên giao dịch cuối tháng trước tăng 0,18%…
Đáng chú ý, lãi suất tín phiếu NH kỳ hạn 14 ngày sau khi giảm xuống còn 0,44%/năm, đến phiên ngày 5/9 lãi suất loại giấy tờ có giá này đã tăng lên 0,6%/năm. Khối lượng chào thầu tín phiếu NHNN cũng giảm dần trong phiên này chỉ còn 5.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 5/9, khối lượng tín phiếu lưu hành giảm xuống còn 57 nghìn tỷ đồng.
Dù tăng trở lại nhưng lãi suất liên NH hiện tại vẫn ở quanh mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, có hai nguyên nhân khiến lãi suất liên NH giảm mạnh: do NHNN bơm một lượng tiền lớn qua nghiệp vụ mua ngoại tệ; và tất cả các NH lớn, nhỏ đều giữ tỷ lệ LDR (tổng các khoản cho vay/tổng tiền gửi) theo quy định NHNN ở mức 80%, nên 20% vốn huy động còn lại các NH sẵn sàng đẩy lên trên thị trường liên NH.
Việc đẩy một khối lượng vốn lớn lên thị trường, trong khi cầu không quá lớn đã đẩy lãi suất thị trường liên NH giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục như vậy.
Chất lượng thanh khoản của từng NH tốt hơn rất nhiều và khả năng huy động vốn của các TCTD đối với xã hội được cải thiện cũng là những lý do, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, đã tác động đến việc giảm lãi suất liên NH liên tục trong thời gian qua. Biểu hiện trên còn cho thấy việc sử dụng thị trường liên NH không còn là vấn đề chú trọng nhất của các TCTD, mà các NH giờ đây quan tâm hơn đến đảm bảo tính thanh khoản.
Nhận định trên của TS. Kiên nhắc lại quá khứ, trước đây đã xảy ra hiện tượng khi dư thừa vốn trên thị trường liên NH thì các NH đã sử dụng “tùy tiện” để cho vay trên thị trường 1 (giữa các NHTM và DN, người dân). Điều này rất nguy hiểm vì kỳ hạn vốn vay trên thị trường liên NH chủ yếu từ qua đêm đến 3 tháng, trong khi cho vay trên thị trường 1 ít cũng phải từ 6 tháng đến vài ba năm. Ngoài cho vay thị trường 1, khi dư thanh khoản trên thị trường liên NH, các NH còn lướt sóng đầu tư ngoại tệ, tạo nhân tố biến động tỷ giá.
Nhưng nay, với sự nghiêm khắc trong quản lý, giám sát của NHNN, các NH đã không dám liều lĩnh sử dụng vốn thị trường 2 (liên NH) như vậy nữa. Biểu hiện rõ nhất là tuy các loại lãi suất liên NH có xu hướng giảm, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn rất ổn định.
Lãi suất giữ ổn định là phù hợp
Thanh khoản tốt, lãi suất liên NH giảm mạnh, các NH đang có nguồn vốn rẻ, một số ý kiến cho rằng, NH có thể xem xét giảm lãi suất huy động, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Nhưng như phân tích ở trên, hoạt động trên thị trường liên NH khá đặc thù. Các NH có thể cho nhau vay vốn dư thừa của mình, nhưng vay để giữ thanh khoản chứ không phải vay tài trợ thị trường 1.
Như vậy, có thể thấy cùng hoạt động cho vay nhưng ý nghĩa lại khác nhau. Nên dù lãi suất thị trường 2 giảm mạnh, thanh khoản dồi dào nhưng không tác động đến mặt bằng lãi suất của thị trường 1. Có chăng là sự ổn định về mặt bằng lãi suất trên thị trường này.
Thậm chí, lãi suất liên NH giảm thậm chí lại là lực cản để giảm lãi suất huy động. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn nhưng qua phân tích của một CEO NH thì điều này lại rất logic. Theo vị này, vốn dư thừa trên thị trường liên NH của NH được huy động từ khách hàng. Nhưng hiện tại các NH không dùng vốn dư thừa tạm thời trên thị trường liên NH để cho vay.
Vì thế, nếu lãi suất liên NH giảm mạnh thì chi phí vốn NH phải trả sẽ cao hơn. “Chỉ khi nào tỷ lệ LDR cao lên hơn 80% thì NH mới có thể lấy vốn từ thị trường liên NH để cho vay. Lúc đấy, sự lên xuống của lãi suất liên NH sẽ có tác động đến lãi suất trên thị trường 1”, vị này cho biết thêm.
Còn phân tích ở góc độ thị trường, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tín dụng tăng đều qua các tháng cho thấy thị trường đã chấp nhận mặt bằng lãi suất hiện tại. DN thấy mức lãi suất hợp lý đảm bảo kinh doanh có lời thì họ mới chấp nhận vay. Còn nếu nền kinh tế, DN đòi hỏi mặt bằng lãi suất thấp hơn hiện tại, thì theo TS. Nguyễn Đức Kiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố: nền kinh tế vĩ mô phải ổn định và khả năng hấp thụ vốn cũng như sử dụng vốn của các DN phải đẩy mạnh, hiệu quả hơn nữa.
Đồng quan điểm, theo TS. Hiếu, muốn giảm lãi suất huy động thì nền kinh tế phải ổn định, lạm phát thấp hơn khoảng 2% nữa. Nhưng tình trạng nền kinh tế của Việt Nam, sự ổn định vẫn đang mang tính tương đối. Năm ngoái lạm phát xuống sâu, năm nay tăng lên nhiều. Đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền là điều các NH phải hướng tới.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu chưa tính tới tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục trong 6 tháng cuối năm, lạm phát cả năm 2016 sẽ khoảng 3,5-4%. Giả sử thực tế đúng như vậy, để đảm bảo lãi suất thực dương cho người gửi tiền thì việc các NH áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 1-12 tháng từ 5-6%/năm là phù hợp. Còn với lãi suất cho vay, các NH cộng thêm 3% biên độ lợi nhuận, tức là NH cho vay ra 8-9%/năm cũng là chấp nhận được.
Một vấn đề khác được vị chuyên gia trên đặt ra, trong bối cảnh cầu tín dụng cuối năm thường tăng so với những tháng đầu năm, hạ lãi suất thấp kích thích DN vay vốn nhiều hơn. Điều này chưa hẳn là tốt, bởi nếu đáp ứng đủ cầu tín dụng, chưa bàn tới chất lượng, nhưng trước mắt thấy rõ nhất một lượng tiền lớn đổ ra nền kinh tế sẽ tạo áp lực cung tiền và lạm phát tăng.
Còn theo TS. Hiếu, lãi suất xuống thấp quá thì cả người đi vay lẫn cho vay đều tỏ ra dễ dãi hơn, lại tạo áp lực lạm phát, dẫn tới bất ổn nền kinh tế. Trong khi đó, nếu lãi suất cho vay cao thì người đi vay cẩn thận hơn. Có thể mặt trái của lãi suất cao là chi phí vốn cao, nhưng nó lại là công cụ cân bằng thị trường. Trong trường hợp này, lãi suất cao không còn là “kẻ phá bĩnh” nền kinh tế mà ngược lại.
Trước diễn biến lãi suất hiện nay, các chuyên gia cho rằng nên giữ lãi suất ổn định như mức hiện tại là phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô.