Lãi suất giảm: Cơ hội để ngân hàng phân bổ vốn hiệu quả
Dòng tiền chuyển động…
Lãi suất huy động (LSHĐ) của nhiều NH hiện chỉ còn niêm yết ở mức 4%/năm với kỳ hạn 1 tháng như tại Vietcombank và Agribank. Cùng kỳ hạn này với các NHTMCP nhỏ hơn thì mức LSHĐ được niêm yết cao hơn một chút, dao động từ 4,1% - 5,3%/năm, tùy từng NH. Nếu gửi các kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng thì người gửi tiền được hưởng lãi suất cao hơn, từ 5,5%/năm trở lên.
Thị trường đang tạo điều kiện cho các TCTD huy động vốn với cơ cấu kỳ hạn hợp lý |
Theo tìm hiểu của phóng viên, lượng người gửi tiền vào NH đã giảm so với hai tháng đầu năm. Tổng giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội cho rằng, thường thì LSHĐ các kỳ hạn ngắn giảm thì người dân chuyển sang kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất cao. Nhân viên một phòng giao dịch của VietinBank tại khu vực quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đúng là lượng người gửi tiết kiệm đã giảm nhưng nếu với ai còn chọn kênh gửi tiết kiệm thì họ thường chọn kỳ hạn gửi tiền dài hơn trước thay vì chỉ gửi 1 đến 3 tháng như trước đây.
Có những luồng ý kiến khác nhau khi LSHĐ đã giảm xuống mức khá thấp, nhất là với các kỳ hạn ngắn. Theo một chuyên gia NH, nếu so với hai tháng đầu năm thì lượng người gửi tiền vào NH thấp hơn cũng không bất ngờ, bởi về quy luật bao giờ những tháng đầu năm, nhất là với “tháng Giêng là tháng ăn chơi” thì tiền nhàn rỗi sẽ được “cất” vào NH để nghe ngóng diễn biến thị trường. Và rất có thể lượng tiền gửi từ tháng 5 trở đi sẽ giữ ở mức ổn định.
Là một trong những người có quan điểm không nên lo ngại LSHĐ giảm thì người dân rút tiền khỏi NH, ông Lê Quang Trung – Phó tổng giám đốc VIB phân tích, có tới 70-80% món tiền gửi vào NH từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Và với số tiền ở mức trên thì gửi vào NH vẫn hiệu quả nhất. Bởi nếu đầu tư vào BĐS thì phải cần số tiền lớn hơn rất nhiều.
Vị lãnh đạo của NH này cũng cho rằng, giả sử số tiền gửi vào NH của người dân giảm để chuyển vốn sang sản xuất kinh doanh cũng là điều đáng mừng. Như vậy, dòng tiền thông minh đã được di chuyển và khi sản xuất kinh doanh khởi sắc, DN và người dân sẽ vay tiền NH dòng vốn được khơi thông tốt hơn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính NH phân tích, nhìn lại các kênh đầu tư hiện nay chỉ có lĩnh vực BĐS đang có dấu hiệu hấp dẫn thôi. Mà BĐS thì phải có số tiền lớn, chứ vài chục triệu, vài trăm triệu thì không mua được. Thành ra, nếu các NH tiếp tục giảm lãi suất xuống thì chưa chắc đã xảy ra việc rút tiền khỏi hệ thống NH. Và nếu có việc rút tiền chăng nữa thì người dân cũng bỏ vào lĩnh vực khác, âu cũng là tích cực nên không đáng lo ngại. Chắc chắn các NH cũng đã phải tính toán kỹ, cân đối lượng tiền vào và ra, kiểm soát được thanh khoản trước khi hạ lãi suất. Bên cạnh đó, việc giảm LSHĐ cũng là cơ hội để NH cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng hợp lý và bền vững.
DN qua cơn “ngủ ngày”
Điểm đáng lưu ý nữa là hiện nay các DN đã tận dụng thời điểm lãi suất cho vay giảm để vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Những tín hiệu vĩ mô đang cho thấy tổng cầu nền kinh tế sẽ được đẩy lên, nhất là GDP quý I đã tăng 6,03% là điều kiện để kích thích DN vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Nhìn ở góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ của một tỉnh miền Bắc cho biết, nếu như trước đây, khi thị trường bị thu hẹp, mặt bằng lãi suất ở mức cao, không ít DN “ngủ ngày” - chọn cách gửi tiền vào NH để hưởng lãi. Nay nhiều DN không chỉ sử dụng nội lực mà còn đi vay NH để khôi phục sản xuất kinh doanh. Với DN nhỏ lẻ họ rất nhạy bén, khi có cơ hội lập tức sẽ chớp thời cơ. Mà hiện NH cũng chủ động rất nhiều trong việc tìm kiếm khách hàng nên những tư tưởng lớn gặp nhau ngày một nhiều hơn, thúc đẩy phát triển kinh doanh cho cả NH và DN.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng – Giám đốc Công ty TNHH Minh Tâm, trước đây có hiện tượng DN gặp khó khăn, không tìm được phương án kinh doanh nên đã gửi NH. Hay nói cách khác là những đơn vị không có thị trường, đúng ra là thị trường bị thu hẹp không phát triển được nữa nên buộc phải co cụm sản xuất, có chút vốn nhàn rỗi gửi vào NH. Hiện nay chỉ có DN gửi NH khi chưa đến kỳ hạn thanh toán.
“DN của tôi vừa rồi có số tiền chưa tới thời hạn thanh toán cho đối tác, tạm gửi vào NH để hưởng lãi suất có 4,8%/năm với kỳ hạn 1-2 tháng”- ông Hưởng cho biết. Còn theo ông Vũ Văn Tiến - Giám đốc Công ty Bia Hà Nội – Kim Bài thì, hiện nay DN của ông đang vay vốn lưu động của một số NH với lãi suất chỉ 7,5%/năm là hợp lý. Bây giờ các DN cũng rút ra bài học về quản trị, thận trọng hơn trong đầu tư. Quan trọng nữa là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hiệu quả và bền vững hơn trong sản xuất kinh doanh.
Hiện mặt bằng LSHĐ và cho vay đã giảm mạnh, trong đó mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhanh và mạnh hơn so với mặt bằng LSHĐ, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và LSHĐ đã thu hẹp đáng kể. Tính kỷ luật thị trường được củng cố, mặc dù NHNN từng bước nới lỏng trần LSHĐ bằng VND nhưng mặt bằng lãi suất vẫn ổn định, đường cong lãi suất đã được hình thành rõ nét, tạo điều kiện cho các TCTD huy động vốn với cơ cấu kỳ hạn hợp lý, ổn định kinh doanh và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế. |