Lạm phát yếu là lý do chính để Fed giảm lãi suất
Giá vàng: Mơ về nơi… xa lắm |
Tháng 6/2018 có thể là tháng tươi đẹp nhất đối với Fed khi mà kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát dự kiến sẽ đạt được mục tiêu 2% của Fed trong năm – rất thuận lợi để Fed tiếp tục tăng lãi suất ngay sau đó và tăng thêm 2 lần nữa trong 6 tháng sau.
Ảnh minh họa |
Nhưng kể từ đó, lạm phát giảm xuống mức “khó chịu” và Fed đã thay đổi quan điểm với việc có thể cắt giảm lãi suất ngay trong năm nay. Mặc dù thương mại và tăng trưởng toàn cầu có thể được Chủ tịch Fed Jerome Powell dẫn ra như là lý do khiến ông và các đồng nghiệp của mình thay đổi kỳ vọng cũng như quan điểm chính sách. Song chính sự giảm tốc mạnh của lạm phát mới là nỗi lo lớn hơn đối với khi mà hiện chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát ưa thích của Fed chỉ đạt 1,5% trong năm nay và duy trì ở mức dưới 2% cho tới hết năm 2020.
“Tôi nghĩ rằng họ rất lo lắng và có lý do chính đáng để tin rằng điều này theo thời gian có thể dẫn đến sự sụt giảm kỳ vọng, và làm cho việc thúc đẩy lạm phát trong tương lai khó khăn hơn”, Nathan Sheets - nhà kinh tế trưởng của PGIM Fixed Profit và một cựu nhân viên của Fed cho biết. Mặc dù triển vọng thương mại không ổn định, “nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát sẽ đạt mục tiêu - “2% khi chính sách (thương mại) thông suốt và ổn định”. Nó không phải là điều chắc chắn sẽ xảy ra”.
Sau nhiều tuần các thị trường phản ứng với các mối đe dọa thuế quan mới từ Nhà Trắng và định giá việc cắt giảm lãi suất của Fed vào giá trái phiếu Kho bạc, Fed hôm thứ Tư đã phát đi tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất. Các dự báo mới cho thấy hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed đã cắt giảm khoảng một nửa điểm phần trăm trong dự báo của mình về mức lãi suất cho vay qua đêm phù hợp vào cuối năm 2019.
Lạm phát yếu đang đặt ra trước các nhà hoạch định chính sách của Fed một vấn đề lớn hơn, nó không chỉ kiểm tra sự hiểu biết của họ về nền kinh tế mà còn cả uy tín của Fed. Kể từ khi đề ra mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2012, Fed luôn tuyên bố rằng họ sẽ đạt được mục tiêu này trong trung hạn. Thế nhưng cho đến nay, ngoại trừ một thời gian khá ngắn trong năm 2018, lạm phát vẫn nằm dưới mức mục tiêu này.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày hôm thứ Tư (19/6), Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý, nguy cơ lạm phát yếu có thể “dai dẳng” thay vì việc mô tả về lạm phát yếu trước đây chỉ là “tạm thời”.
Cụ thể, sau khi đạt đỉnh 2,1% trong các dự báo kinh tế được ban hành vào tháng 9/2018, triển vọng lạm phát PCE đã giảm trong mỗi dự báo hàng quý kể từ đó. Thực tế đó đang đặt ra một câu hỏi là liệu việc Fed tăng lãi suất 4 lần vào năm ngoái có phải là một sai lầm đã cản trở tiến trình đạt được mục tiêu lạm phát. “(Lạm phát yếu) có thể có nghĩa là họ (Fed) đã thắt chặt quá sớm”, Vincent Reinhart - nhà kinh tế trưởng tại Mellon nói.
Nó cũng có thể chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất của Fed khi mà lần đầu tiên sau khoảng một thập kỷ, lãi suất đã thực sự vượt lên trên lạm phát và trở thành “thực dương” trên thực tế.
Fed đã đạt được cột mốc đó vào tháng 9 khi lãi suất cho vay qua đêm chuẩn được nâng lên mức từ 2% đến 2,25%, trong khi lạm phát ở mức khoảng 2%. Thời điểm đó, Fed cho rằng nền kinh tế đủ mạnh để hỗ trợ lãi suất thực trên 0 và cần tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ để tài khoản tiết kiệm thông thường có thể tạo ra lợi nhuận thực dương. Tuy nhiên, lạm phát liên tục sụt giảm kể từ đó, có nghĩa là lãi suất thực tế đang tăng lên, có nghĩa các điều kiện tài chính được thắt chặt nhanh hơn và mạnh hơn so với dự định của Fed.
Bởi vậy theo Reinhart, việc cắt giảm lãi suất sắp tới cũng có thể chỉ là cách điều chỉnh chính sách của Fed. “Nếu ông (Powell) có thể coi đây là việc điều chỉnh lãi suất danh nghĩa trong bối cảnh môi trường lạm phát thấp, thì điều đó ít gây sốc hơn”, Reinhart nói.