Làn sóng cắt giảm lãi suất trên thế giới
Theo đó, Fed đã tạm dừng chu trình thắt chặt CSTT, đồng thời đang có định hướng hạ lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 7 này. Trong khi đó, NHTW châu Âu ECB đã tạm hoãn việc kết thúc chương trình lãi suất âm và triển khai thêm các biện pháp kích thích kinh tế mới. Bên cạnh đó, NHTW một số nước phát triển khác như Úc, New Zealand cũng đã thực hiện các biện pháp nới lỏng CSTT trong khi NHTW Nhật vẫn giữ nguyên định hướng điều hành CSTT đang ở mức nới lỏng mạnh mẽ như hiện tại.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, tại nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, nhiều NHTW đã tiến hành nới lỏng CSTT trong nửa đầu năm, trong đó đáng chú ý là NHTW Trung Quốc đã 2 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHTW Ấn Độ 3 lần giảm lãi suất, nhiều NHTW thuộc khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia cũng đã giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHTW Nga cắt giảm lãi suất 2 lần. Hiện tại, chỉ có một số nền kinh tế phải đối mặt với lạm phát và xu hướng mất giá đồng tiền nên đã phải thắt chặt CSTT như NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã 2 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHTW Argentina 2 lần tăng lãi suất, NHTW Pakistan 3 lần tăng lãi suất.
Như vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, NHTW các nước trên thế giới đã đi theo xu hướng cắt giảm lãi suất chính sách rõ ràng hơn. Thống kê của website centralbanknews.info cho thấy từ đầu năm đến nay đã có 41 NHTW có các biện pháp nới lỏng CSTT với 57 lần cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, chỉ có 13 NHTW có xu hướng thắt chặt CSTT với 14 lần tăng lãi suất. Như vậy, tính đến ngày 30/7, chỉ số lãi suất toàn cầu (GMPR) do centralbanknews.info thống kê đang ở mức 6,14%, giảm 2,9% so với cuối năm ngoái.
Xu hướng điều hành chính sách của các NHTW trên thế giới như vậy đang định hình một thực tế có thể xem là gợi mở tình huống đảo ngược chính sách lãi suất của các NHTW trên thế giới. Xu hướng này đang đi ngược lại với định hướng điều hành CSTT theo hướng thắt chặt mà các NHTW đã theo đuổi trong một số năm trước. Điều này mặc dù là một tín hiệu cho thấy các NHTW đang đồng thuận trong việc thực hiện các nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở lại nhưng sẽ tiềm ẩn những rủi ro do sự dịch chuyển các dòng tài chính đối với các thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu.