Doanh nghiệp Italia hợp tác chế biến nông sản
Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italia đang có những bước phát triển tích cực, đáng ghi nhận, nổi bật nhất là hợp tác kinh tế khi nền kinh tế hai nước vừa có tính tương đồng, vừa có tính bổ trợ lẫn nhau.
Italia được coi là thị trường xuất khẩu quan trọng của các DN Việt Nam trong khu vực EU. Theo Tổng cục Hải quan, trong những tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italia có quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay, chiếm trên 1,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với hàng hóa Việt Nam, hiện Italia là thị trường nhập khẩu đứng thứ 18 trên thế giới, đứng thứ 4 trong các nước thuộc khu vực EU.
Sự kiện B2B được ICHAM tổ chức để thúc đẩy xúc tiến thương mại tại Việt Nam |
Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này lại tăng trưởng thấp. Trong năm 2019 mới có 12 mặt hàng nhập khẩu từ Italia đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 3 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…).
Nhằm đón đầu khi EVFTA có hiệu lực, Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) cùng 11 Phòng Thương mại Italia tại khu vực châu Á vừa tổ chức sự kiện Machinery Made in Italy. Đây là sự kiện kết nối giao thương giữa các DN Italia chuyên sản xuất dây chuyền máy móc chế biến nông sản thực phẩm và các DN (các công ty nhập khẩu, phân phối, sản xuất nông sản, thực phẩm) từ các quốc gia tại khu vực châu Á (Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam), tạo điều kiện để các DN Việt Nam tiếp cận và làm việc với các DN cung cấp giải pháp toàn diện cho ngành chế biến nông sản thực phẩm hiện đại.
Ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam nhấn mạnh, đến thời điểm này Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia tại châu Á đã ký hiệp định thương mại tự do với EU nên Chính phủ Italia rất coi trọng thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, đây là một thị trường vô cùng tiềm năng, là một trong ba thị trường chiến lược của Ý ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cũng là một trong những quốc gia được thúc đẩy xúc tiến thương mại và đầu tư mạnh mẽ với rất nhiều công cụ hỗ trợ từ các tổ chức tài chính và ICHAM.
ICHAM sẽ hỗ trợ tìm kiếm đối tác tư vấn, giúp các DN Việt tiếp cận thị trường, tìm được những khách hàng phù hợp nhất với sản phẩm của DN đó; tư vấn để các DN đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách hàng tiềm năng tại Italia…
Với EVFTA, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng lượng hàng xuất khẩu và giá trị xuất khẩu vào thị trường EU song cần chú trọng nâng được giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của người tiêu dùng EU. Để đáp ứng được điều đó thì các DN Việt rất cần các dây chuyền công nghệ máy móc có chất lượng cao để có thể nâng cao được hiệu suất sản xuất và giảm thiểu được chi phí giá thành. Mà một trong những thế mạnh xuất khẩu của Italia là máy móc. Đây cũng là quốc gia hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu công nghệ, đặc biệt là dây chuyền sản xuất máy móc, Đại sứ Italia khuyến nghị.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia lớn trong ngành sản xuất, chế biến thực phẩm, nông sản, nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú - yếu tố quyết định sự thành công và thuận lợi cho ngành chế biến phát triển.
Thực tiễn đã chứng minh, Việt Nam đã là một trong những nhà xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều lớn nhất thế giới, điều này càng củng cố thêm sức hấp dẫn cho ngành chế biến nông sản thực phẩm ở Việt Nam. Đến nay, nhiều mặt hàng chế biến của các DN tại Việt Nam đã xuất khẩu tới nhiều thị trường, kể cả những thị trường khó tính. Nền tảng đó còn đang mở ra cơ hội và lợi thế cho Việt Nam trong việc phát triển ngành chế biến thực phẩm.
Với nền kinh tế phát triển nhanh và thu nhập bình quân tăng, Việt Nam có thể trở thành một trong những thị trường lớn cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống ở Đông Nam Á. Ngoài sản phẩm sản xuất trong nước, thì hàng năm, Việt Nam còn phải nhập khẩu lượng lớn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện tất cả các phân khúc sản phẩm đều có nhu cầu gia tăng, đặc biệt các sản phẩm thân thiện môi trường.
Được biết, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống chiếm 15% GDP của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Người Việt Nam sẵn sàng dành 1/3 thu nhập để mua thực phẩm và đồ uống phục vụ bản thân và gia đình.