Liệu có thỏa thuận thương mại toàn diện Mỹ - Trung?
Trung Quốc cho biết đã đạt được sự đồng thuận về nguyên tắc với Mỹ | |
Triển vọng của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung | |
"Thương mại Mỹ - Trung Quốc, hàm ý tác động tới Việt Nam" |
Nhiều trở ngại
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra tại Chile vào ngày 16-17/11 tới. Thế nhưng kế hoạch này đã phải thay đổi khi Tổng thống Chile Sebastian Pinera bất ngờ tuyên bố hôm thứ Tư rằng nước này đã hủy bỏ việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC do những bất ổn xã hội của nước này.
Trong một lời tweet hôm thứ Năm, ông Trump cho biết đang tìm kiếm một địa điểm mới để hai nhà lãnh đạo ký kết thỏa thuận.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã phủ một bóng đen lên kinh tế toàn cầu |
Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ bao gồm việc nối lại các giao dịch mua nông sản và các sản phẩm khác như máy bay của Mỹ. Nó cũng dự kiến sẽ bao gồm các cam kết của Trung Quốc để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và một thỏa thuận không thao túng tiền tệ của cả hai bên. Đổi lại, ông Trump đồng ý không tiếp tục tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vào ngày 15/10 và nhiều khả năng sẽ hủy bỏ kế hoạch triển khai vòng thuế quan vào ngày 15/12.
Thế nhưng thỏa thuận giai đoạn một này không đề cập tới những vấn đề liên quan đến cải cách kinh tế của Trung Quốc. Tổng thống Trump đã tìm cách né tránh những lời chỉ trích rằng ông chỉ nhận được rất ít từ Trung Quốc bằng cách lập luận rằng các vấn đề khó khăn hơn sẽ được giải quyết trong tương lai. “Giai đoạn hai sẽ bắt đầu đàm phán gần như ngay lập tức sau khi chúng tôi kết thúc giai đoạn một”, ông nói với các phóng viên.
Bước đầu tiên đó, theo chính quyền Trump, có nghĩa là sẽ dẫn đến một thỏa thuận toàn diện hơn liên quan đến cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn của Trung Quốc. Mặc dù phía Trung Quốc cho biết là họ sẵn sàng tiếp tục đàm phán sau giai đoạn ban đầu, nhưng cả hai bên đều nhận ra rằng sẽ rất khó đạt được thỏa thuận về cải cách cơ cấu sâu sắc mà phía Mỹ đang thúc đẩy, một quan chức Trung Quốc quen thuộc với các cuộc đàm phán nói.
Dẫn lời những nguồn tin quen thuộc Bloomberg cho biết, trong những cuộc trò chuyện riêng với du khách tới Bắc Kinh, các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo họ sẽ không nhượng bộ đối với những vấn đề mang tính nguyên tắc. Bên cạnh đó, họ vẫn lo ngại về bản chất bốc đồng của Tổng thống Donald Trump và nguy cơ ông có thể thay đổi ngay cả khi cả hai bên đang muốn ký kết một thỏa thuận hạn chế trong vài tuần tới.
Ai sẽ nhượng bộ?
Chưa hết, theo những người quen thuộc với vấn đề này, Trung Quốc muốn phía Mỹ phải gỡ bỏ tất cả các loại thuế quan ngay lập tức, đó là một phần của thỏa thuận trong giai đoạn tiếp theo. Trung Quốc cũng muốn ông Trump hủy bỏ việc triển khai vòng thuế quan mới, mà theo kế hoạch sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12, như một phần của thỏa thuận giai đoạn một.
Thế nhưng điều đó khác xa với những gì chính quyền Trump mong muốn. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và nhóm của ông đã từng tuyên bố rằng, các mức thuế áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, vốn được triển khai ngay từ đầu cuộc chiến thuế quan, sẽ được duy trì trong thời gian dài như một cách đảm bảo Trung Quốc thực thi các cam kết của mình.
Rõ ràng các câu hỏi về tương lai của các cuộc đàm phán phản ánh một sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ. Sau khi liên tục tăng cường thuế quan và tạo áp lực đối với Trung Quốc trong suốt mùa hè vừa qua, đồng thời tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận toàn diện, ông Trump đã đột ngột thay đổi quan điểm vào đầu tháng 10 và đã chuyển sang cách tiếp cận từng bước.
Điều đó đã phần nào cho thấy sự cứng rắn của Trung Quốc và trên thực tế Nhà Trắng đã phải nhượng bộ. “Ngay cả khi họ có được giai đoạn một, thì giai đoạn hai sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì tất cả các vấn đề thực sự khó khăn vẫn đang bị trì hoãn”, Eswar Prasad – cựu trưởng đại diện IMF tại Trung Quốc và hiện đang là Giáo sư Chính sách Thương mại tại Đại học Cornell cho biết.
“Nếu yêu cầu của Mỹ quá nhiều, chẳng hạn như nhấn mạnh vào cái gọi là thay đổi cơ cấu sẽ thay đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc, thì thỏa thuận hoàn toàn không thể kết thúc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump”, Zhou Xiaoming - cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết. “Mặc dù, Trung Quốc muốn có một thỏa thuận càng nhanh càng tốt, nhưng một thỏa thuận toàn diện sẽ bao gồm việc loại bỏ tất cả các mức thuế trừng phạt”, ông nói.
Lẽ đương nhiên nếu không có bên nào nhượng bộ, sẽ chẳng thể có một thỏa thuận nào được đưa ra.