Linh hoạt theo tín hiệu thị trường
Lãi suất huy động ổn định nhờ thanh khoản hệ thống tích cực | |
Một vài ngân hàng tăng giảm nhẹ lãi suất huy động VND | |
Thanh khoản tích cực tạo điều kiện giữ ổn định lãi suất huy động |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê tại thời điểm 20/6, huy động vốn của các TCTD tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2015 (4,58%). Tín dụng nền kinh tế đến cuối quý II tăng trưởng ở mức 6,82%. Những con số này cho thấy tăng trưởng huy động vốn cao hơn so với tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên trên thị trường, lãi suất huy động (LSHĐ) của nhiều NHTM lại có sự chuyển động tăng.
Sáu tháng đầu năm 2016, thị trường cũng đã ghi nhận hơn 2 lần LSHĐ tiền đồng được các NHTM nâng lên. Và điều dễ nhận thấy là LSHĐ của các NHTM tăng chủ yếu ở kỳ hạn dài. Đơn cử như VPBank, NH này tăng lãi suất cho tiết kiệm online từ 7,6%/năm lên 7,9%/năm, áp dụng với kỳ hạn 36 tháng cho khoản gửi từ 5 tỷ đồng trở lên.
Với gửi tiết kiệm thông thường, VPBank cũng điều chỉnh lãi suất tăng lên 7,7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 15 tháng ở NH này cũng tăng từ 6,9% lên 7,0%/năm. Tại TPBank, gửi tiết kiệm thông thường với lãi suất cao nhất 7,6%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng; gửi tiết kiệm online sẽ nhận được mức 7,65%/năm. Sacombank cũng tăng 0,1% ở kỳ hạn 1 tháng (lên 4,7%) và 6 tháng (lên 5,8%).
Các giải pháp điều hành của NHNN giúp mặt bằng LSHĐ ổn định |
Không chỉ ở các NHTMCP, lãi suất huy động cũng đã tăng nhẹ ở NHTM Nhà nước: Vietcombank tăng 0,1% áp dụng cho các kỳ hạn 3 tháng; 6 và 9 tháng lần lượt lên mức 5,1% và 5,5%. BIDV cũng đã điều chỉnh lãi suất khoảng 0,3%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng, 2 và 3 tháng lên mức 4,8%/năm, 5%/năm và 5,2%/năm.
Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, LSHĐ đã được điều chỉnh với xu hướng tăng từ cuối năm 2015. Hiện tượng này tuy không ồ ạt, không theo kiểu chạy đua như trước, nhưng thi thoảng lại có NH điều chỉnh LSHĐ. Và đáng chú ý là bên cạnh đó, vẫn có một số NH điều chỉnh giảm, tùy từng thời kỳ. Điều này phần nào cho thấy các NHTM ngày càng linh hoạt hơn trong điều hành, hoạt động theo tín hiệu thị trường và theo chỉ đạo của NHNN.
Theo một số chuyên gia và lãnh đạo NHTM, trong bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường thì chuyện điều chỉnh tăng hay giảm LSHĐ không có gì bất ngờ. Để chuẩn bị cho nhu cầu vốn trước khi bước vào mùa vụ kinh doanh cuối năm, tất cả các NH đều cần bổ sung thêm nguồn vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng, áp lực tỷ giá... cùng nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan khiến rủi ro sẽ có xu hướng tăng lên.
Chính bởi vậy, các NH cần phải dự trữ một lượng vốn dư dả để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và kế hoạch tăng trưởng tín dụng của mình. Những yếu tố về tính cạnh tranh giữa các NH trong nước, cũng như sự tham gia ngày một nhiều hơn của NH ngoại trên thị trường Việt Nam cũng khiến cho các nhà băng luôn tận dụng cơ hội để thu hút khách hàng tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ mình.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tăng LSHĐ lần này chưa tạo ra xu hướng trong thời gian trước mắt. Nói như vậy bởi xét trên mặt bằng chung, thì mức trần LSHĐ 5,5%/năm với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống vẫn được duy trì, phổ biến (LSHĐ ở các kỳ hạn này thường trong khoảng 4,5%-5,5%/năm). Và hiện tại, thanh khoản của hệ thống NH vẫn đang duy trì tín hiệu tích cực.
Mặt khác, yếu tố bao trùm khiến mặt bằng lãi suất thời gian tới vẫn giữ ở mức tương đối ổn định là do thông điệp từ Chính phủ khi đảm bảo mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cùng với đó, là những động thái, chính sách nhất quán từ phía NHNN trong việc hỗ trợ, đảm bảo thanh khoản của đồng Việt Nam.
Từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã chỉ̉ đạo các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định LSHĐ, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD...
Lãnh đạo vụ chức năng của NHNN cho biết, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, mặt bằng LSHĐ sau khi tăng khoảng 0,2-0,3%/năm trong 3 tháng đầu năm, thì đã duy trì ổn định và từ tháng 4/2016 từng bước được một số TCTD điều chỉnh giảm, dự kiến về cơ bản tiếp tục diễn biến ổn định trong những tháng cuối năm.