Linh hoạt trước biến động thị trường thế giới
Tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ từ 13/4/2017 đến 19/4/2017 | |
NHNN lại ra tay ngăn đà rơi của tỷ giá |
Tuần qua, cả thế giới chứng kiến giá Đô la Mỹ (USD) và giá vàng cùng “nổi sóng”.
Quan sát trên thị trường thế giới vào phiên giao dịch đầu tuần (hôm 10/4) qua chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đạt 101,08 điểm, tăng 0,47%. Tuy nhiên, trong nước tỷ giá USD/VND, thị trường gần như “dừng hình” khi NHNN công bố tỷ giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, áp dụng cho ngày 10/4/2017 là 22.316 đồng/USD. Tỷ giá USD tại các NHTM niêm yết không có nhiều biến động. Cụ thể, các NHTM niêm yết tỷ giá USD/VND quanh mức mua vào 22.640 đồng/USD, bán ra 22.710 đồng/USD.
Ngày 11/4, NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.321 đồng/USD, tăng 5 đồng so với phiên liền trước. Song tỷ giá niêm yết của các NHTM vẫn không mấy thay đổi, phổ biến ở mức 22.625 đồng/USD và bán ra 22.695 đồng/USD.
Ảnh minh họa |
Cùng với USD, giá vàng trên thị trường thế giới tuần qua cũng khá nóng, ngày 13/4/2017, giá vàng được giao dịch phổ biến ở mức 1.285,2 - 1.286.2 USD/oz. Thậm chí có thời điểm giá vàng đã vượt mốc 1.280 USD/oz và chạm đỉnh 1.288,1 USD/oz. Chưa dừng lại ở đó, đến ngày 14/4, giá vàng tiếp tục lên mức cao nhất 1.289 USD/oz.
Giới phân tích cho rằng, những biến động của USD và giá vàng tuần qua là do tác động của diễn biến chính trị và kinh tế trên thế giới có nhiều biến động. Các nhà đầu tư tăng “trú ẩn” vào vàng sau một loạt các sự kiện chính trị diễn ra trong tuần qua như: cuộc tấn công tên lửa vào Syria, hay khủng bố tại Thụy Điển, cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trở lại thị trường trong nước, ngay từ đầu năm NHNN đã dự báo diễn biến thị trường quốc tế năm nay sẽ rất khó lường. Chính vì vậy, trong điều hành cơ quan quản lý luôn bám sát diễn biến thị trường để có những giải pháp kịp thời. Đơn cử, để ngăn chặn đà rơi của tỷ giá, ngày 11/4, Sở Giao dịch NHNN đã tăng mạnh giá mua vào từ, 22.575 đồng/ USD (vốn đã cố định suốt ba tháng qua) lên mức 22.675 đồng/USD. Mức giá mua vào của Sở Giao dịch NHNN tiếp tục duy trì ở 22.675 đồng/USD trong ngày 12/14, tạo một chốt chặn trước đà rơi sâu của tỷ giá diễn ra từ cuối tháng 3/2017 đến nay.
Theo các chuyên gia tài chính – NH, việc NHNN nâng giá mua USD một mặt nhằm chặn đà giảm sâu của tỷ giá phù hợp với bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá lớn thời gian qua, mặt khác là để hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, qua việc nâng giá mua vào USD, có thể NHNN sẽ mua thêm một lượng ngoại tệ nhằm củng cố thêm dự trữ ngoại hối quốc gia.
Với thị trường vàng, mặc dù giá thế giới tăng mạnh, tác động tới giá vàng trong nước nhưng với sự kiên định của NHNN trong việc chống vàng hóa nền kinh tế những năm gần đây đã khiến giới đầu cơ không dám mạo hiểm lướt sóng. Trước sức nóng của giá vàng thế giới, thị trường vàng trong nước vẫn ổn định, thậm chí chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới còn thu hẹp, có lúc chỉ còn 1,7 triệu đồng/lượng.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc Fed tăng lãi suất chưa gây áp lực đối với tỷ giá do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND. Tuy nhiên, cung ngoại tệ có thể kém thuận lợi hơn năm 2016, do cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt (khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Quý I/2017 nguyên nhân chính biến động của tỷ giá chủ yếu do nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo về dài hạn, cần lưu ý biến động của đồng CNY do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016. Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cũng cho rằng xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt với CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN…