Lo ngại xu hướng li ti hóa của FDI
Tầm nhìn và chính sách tốt giúp Việt Nam thành công | |
Tận dụng ngoại lực để thúc đẩy kinh tế |
Chưa vội bàn đến tính hiệu quả của dự án nước ngoài quy mô nhỏ, song rõ ràng trong bối cảnh hơn 90% DN Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, thì việc các DN nước ngoài có quy mô tương tự đổ vào Việt Nam sẽ khiến cuộc cạnh tranh vào chuỗi giá trị toàn cầu trở nên gay gắt hơn.
Dự án FDI quy mô nhỏ gây nhiều áp lực với DN trong nước |
Khó từ chối dự án nhỏ
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, quy mô vốn bình quân một dự án FDI được cấp phép mới trong năm 2018 là 5,9 triệu USD. Xét trong quãng thời gian 10 năm, con số này đã sụt giảm gấp hơn 3 lần. Nếu như năm 2008, quy mô vốn bình quân của dự án FDI đăng ký mới là 19 triệu USD, thì ngay năm sau đó đã giảm xuống chỉ còn 17 triệu USD. Tới năm 2014, con số này giảm xuống còn xấp xỉ 10 triệu USD, sau đó tiếp tục giảm còn 7,7 triệu USD vào năm 2015.
Theo cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh tại các địa phương, số lượng dự án FDI vào Việt Nam liên tục tăng nhanh qua từng năm, song số vốn lại không đạt tốc độ tương ứng, khiến quy mô dự án đăng ký mới giảm dần. Dự án quá nhỏ sẽ khó tạo được cú hích trong hoạt động đầu tư, song các đơn vị này cho rằng không thể từ chối đăng ký vì các quy định hiện nay không cấm đăng ký vốn nhỏ, miễn là dự án không gây tác động xấu tới môi trường.
Ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, việc nói không với các dự án quy mô nhỏ cũng là điều bất khả thi. Báo cáo thực trạng tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài của UBND TP. Hà Nội nhằm hoàn thiện Đề án thu hút FDI đến năm 2030 đã chỉ rõ một số vấn đề vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý FDI trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, báo cáo chỉ rõ, thành phố chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, có giá trị gia tăng cao. Quy mô vốn đầu tư 1 dự án có xu hướng giảm xuống, số lượng các dự án dịch vụ quy mô nhỏ tăng dần, có những dự án đăng ký mức vốn chỉ 5.000 USD hoặc thấp hơn. Năm 2016, 2017 và 2018 tỷ lệ đăng ký các dự án có quy mô vốn dưới 100.000 USD chiếm khoảng 30-40% tổng số dự án.
“Quy mô vốn đầu tư các dự án FDI nhỏ, nguồn vốn chủ sở hữu của các NĐT nước ngoài thấp chưa phát huy được tiềm năng của nguồn vốn FDI”, báo cáo nêu thực trạng.
Dưới góc nhìn của cơ quan thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết, quy mô dự án FDI ngày một nhỏ, các dự án quy mô chỉ 1 triệu USD ngày càng nhiều lên. Kéo theo đó là nguy cơ dự án FDI công nghệ lạc hậu tăng lên. Điều này đặt ra vấn đề Việt Nam phải sàng lọc thu hút FDI chứ không phải thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Gia tăng áp lực cạnh tranh
Nỗi lo dự án FDI ngày càng li ti hóa cũng đã được nhận diện trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018. Thực tế là báo cáo PCI năm 2017 đã chỉ ra rằng các DN FDI có xu hướng nhỏ đi, cả về vốn chủ sở hữu và quy mô lao động. Nhận định này tiếp tục được khẳng định trong dữ liệu điều tra năm 2018.
Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc Dự án PCI đánh giá, nhìn chung tỷ lệ DN FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng cao hơn. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ doanh thu và quy mô của dự án FDI đều có xu hướng giảm. Chẳng hạn với nhóm DN có trên 1.000 lao động, tỷ lệ năm 2016 là 6,2%, năm 2017 là 6,4%, thì năm 2018 vừa qua là 4%. Chỉ 5,4% DN có quy mô thuộc nhóm lớn thứ hai (500 đến 999 lao động), giảm so với mức 5,8% trong năm 2017. Cùng với đó, tỷ lệ DN FDI quy mô nhỏ hơn tăng rõ rệt. 9,4% DN được hỏi cho biết có chưa đến 5 lao động, cao hơn con số tương ứng trong năm 2017 là 7,4%.
Sự thu hẹp quy mô lao động của các DN FDI song hành với sự sụt giảm tương ứng về quy mô vốn. Năm 2018 có sự gia tăng tỷ lệ DN nằm trong các nhóm quy mô nhỏ gồm: dưới 0,5 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 10,8%; từ 0,5 đến dưới 1 tỷ đồng là 6,6%; và từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng là 20,3% DN tham gia điều tra. Những con số tương ứng trong điều tra năm 2017 là 7,9%, 5,7% và 16,7%.
Đáng chú ý, ông Tuấn nhấn mạnh, 5,9% số DN được hỏi cho biết vốn chủ sở hữu trên 500 tỷ đồng trong năm 2017, nhưng năm 2018 nhóm DN này đã chỉ còn chiếm 3,9%. Điều này cho thấy rõ ràng quy mô bình quân của DN FDI tại Việt Nam đang nhỏ dần đi.
Các chuyên gia về FDI cảnh báo, nhiều DN FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh, nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những DN FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là một trong những khó khăn mà DN trong nước đang gặp phải.
Chẳng hạn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 35%, khả năng tham gia của các DN thuần Việt vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này là chưa cao, chưa ổn định. Hay như Canon đã hoạt động ở Việt Nam gần 20 năm, song mới chỉ có 20 DN hỗ trợ thuần Việt trên tổng số 160 DN, cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
“Vấn đề này hàm chứa thông điệp đáng lo ngại. Bởi lẽ các DN tư nhân Việt Nam muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng nếu DN nước ngoài quy mô nhỏ vào nhiều thì DN tư nhân Việt Nam đối mặt cạnh tranh nhiều từ chính các DN quy mô nhỏ này”, ông Đậu Anh Tuấn cảnh báo.