Tận dụng ngoại lực để thúc đẩy kinh tế
Tạo thuận lợi thu hút FDI | |
Giải ngân vốn FDI đạt 4,12 tỷ USD trong quý I/2019 | |
BĐS Việt Nam “hút” nhiều nhà đầu tư nước ngoài |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, đầu tư nước ngoài là nhân tố quan trọng cho nguồn thu ngân sách của TP. TP.HCM có gần 12.000 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký là 438.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách 62.000 tỷ đồng. Như vậy, bình quân một DN FDI đóng góp 5 tỷ đồng cho ngân sách.
Đầu tư FDI vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng dự kiến sẽ tăng mạnh |
Thực tế, thời gian qua, đầu tư nước ngoài đóng góp nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đến nay, thành phố đã thu hút được hơn 8.000 dự án với số vốn đăng ký gần 45 tỷ USD, xuất khẩu của DN FDI bình quân mỗi năm đạt khoảng 20 tỷ USD, chiếm 58,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài cũng chiếm 23% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm 22% tổng nguồn vốn trên thị trường chứng khoán của thành phố.
Cùng với đó, đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng trong việc giải quyết lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại TP.HCM. Hiện nay, DN FDI đang giải quyết việc làm cho khoảng 670.000 lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp. Quan trọng hơn nữa, DN FDI đã trực tiếp và gián tiếp chuyển giao và phát triển công nghệ cũng như những cách thức kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và làm cho hội nhập có chiều sâu hơn.
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, để thu hút hơn nữa và phát huy những mặt mạnh của DN FDI trong thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay từ năm 2017, UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành về đầu tư nhằm hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho DN cho đến khi dự án được cấp phép hoạt động.
Trong năm 2018, thành phố đã thu hút được trên 7,6 tỷ USD đầu tư nước ngoài, trong đó M&A chiếm 83%. Tuy nhiên, điều này không tạo nên giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Do đó, thành phố xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế các bất cập do đầu tư nước ngoài mang lại, tìm ra các giải pháp tận dụng và gắn kết đầu tư nước ngoài với cuộc CMCN 4.0.
Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội DN Ý tại Việt Nam (ICham) cho rằng, việc có được nguồn vốn FDI lên tới 1 tỷ USD chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019 cho thấy, TP. HCM đã có những bước tiến đáng kể trong thu hút nguồn vốn ngoại, và có thể coi đây là minh chứng cho sự đổi mới mạnh mẽ trong việc cải cách hành chính của TP.HCM.
Thời gian tới, các cơ quan thuế, hải quan, và kho bạc cũng cần tập trung hơn vào cải cách hành chính và cải thiện nguồn nhân lực, tăng tính minh bạch để thúc đẩy kinh doanh, đảm bảo cho các DN sử dụng hóa đơn điện tử một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tăng cường cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn các DN địa phương, tập trung vào các giải pháp cải cách hành chính đồng bộ như xây dựng chính quyền điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, thu hút nhân tài, khuyến khích tinh thần làm việc thông qua tăng thu nhập; đánh giá sự hài lòng của người dân với các cơ quan hành chính nhà nước.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhận định, đầu tư FDI vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt là về chất lượng, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, bao gồm các thương hiệu lớn, đang chọn Việt Nam làm điểm đến. Các DN nước ngoài cũng đang xem xét nhiều đến việc đầu tư hoặc dời các cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TP.HCM. Điều này đạt được nhờ phần lớn vào sự cải cách mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên, thành phố còn cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra sức hấp dẫn nhiều hơn đối với các nhà đầu tư công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi DN thực hiện dự án đầu tư, mở rộng sản xuất; ưu tiên phân bổ quỹ đất công nghiệp cho các DN đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp tiềm năng, hỗ trợ tài chính cho các công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm.