Lộ trình đẩy nhanh quá trình phổ cập tài chính
Tập trung vốn phát triển sản xuất kinh doanh | |
Tuổi trẻ Agribank về nguồn | |
Tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính |
Không chỉ áp lực khi được giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ lực vốn trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vấn đề làm thế nào để tăng cường tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng, gia tăng giá trị sử dụng cho khách hàng cũng là những thách thức không nhỏ đối với Agribank. Để hóa giải bài toán này, Agribank đã và đang phối hợp cùng các công ty công nghệ tài chính - Fintech áp dụng công nghệ số trong việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính.
Có rất nhiều dữ liệu cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng của Fintech. Khoảng một nửa dân số Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày và trên 80% dân số sở hữu thiết bị di động. Nhưng tới gần 70% trong số đó vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách chính thức. Khoảng trống này khiến Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn mà các nhà cung cấp công nghệ di động, trong đó có các công ty Fintech.
Thế mạnh lớn của các công ty này được phát triển trên nền tảng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông hiện đại. Vì lẽ đó các sản phẩm dịch vụ (SPDV) do các công ty Fintech cung ứng sẽ hỗ trợ cho các NH truyền thống có thể cung cấp các giải pháp NH hiện đại, tiện ích với mức chi phí thấp hơn. Giải pháp này đặc biệt thích ứng với đối tượng khách hàng còn gặp hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do những rào cản về thủ tục hoặc địa lý như những người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo điều này càng trở nên quan trọng.
Với ý nghĩa lớn đó, bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam về việc phối hợp cùng phát triển với các công ty Fintech, Agribank đã liên kết với các Fintech bổ sung tiện ích, hoàn thiện các sản phẩm Internet Banking, Mobile Banking, liên kết SPDV… đặc biệt chú trọng đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sự kết hợp này giúp NH đưa ra các sản phẩm dịch vụ tài chính tiện ích, với “tốc độ nhanh” và kỹ thuật vượt trội dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Đến thời điểm này, Agribank đã cung cấp ra thị trường hơn 200 SPDV ngân hàng tiện ích, hiện đại, như Mobile Banking, Agribank E-Mobile Banking, Apaybill, Vntopup, Bankplus… để phục vụ cho tất cả các khách hàng tại gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên khắp mọi miền đất nước. Ứng dụng công nghệ tài chính vào các sản phẩm tài chính tại Agribank, cùng với đổi mới phong cách làm việc, chuẩn hóa quy trình giao dịch, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ, tiết giảm chi phí… vừa góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính NH hiện đại cho khách hàng vừa phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh của NH nhất là nguồn thu dịch vụ của NH được cải thiện đáng kể.
Tổng thu dịch vụ toàn hệ thống Agribank năm 2016 tăng 19,2% so với 2015, đạt hơn 3.640 tỷ đồng; trong đó dịch vụ E-banking tăng trưởng gần 33% với nhiều tiện ích được khách hàng yêu thích như: SMS thông báo biến động số dư tài khoản, SMS nhắc nợ tiền vay, các dịch vụ Agribank E-Mobile Banking, Apaybill, Vntopup, Bankplus… cũng tăng đều vế số lượng giao dịch, giá trị giao dịch cũng như phí dịch vụ thu. E-banking tăng trưởng nhanh, ổn định và đang trở thành nguồn thu ngày càng quan trọng trong cơ cấu thu dịch vụ của Agribank. Các dịch vụ, tiện ích phát triển mới đã góp phần đa dạng sản phẩm dịch vụ Agribank, phát triển các kênh phân phối hiện đại… Qua đó góp phần tăng trưởng lợi nhuận bền vững cho NH từ lãi thu dịch vụ.
Nhạy bén nắm bắt xu thế phát triển công nghệ điện thoại thông minh và thương mại điện tử, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với các Fintech, Agribank đã thực hiện phương án mở rộng và nâng cao hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin của mình. Có được hệ thống công nghệ thông tin hiện đại là nền tảng, điểm tựa quan trọng để Agribank triển khai thành công các dự án lớn mang tính đột phá không chỉ đối với ngành NH mà cả nền kinh tế. Đơn cử Dự án về Trung tâm dữ liệu, máy chủ, cơ sở dữ liệu, mạng truyền thông.
Việc hoàn thành nâng cấp hệ thống Internet Banking hỗ trợ các chức năng chuyển khoản, tiết kiệm điện tử, hệ thống thu ngân sách nhà nước qua Internet, hệ thống thanh toán song phương với Kho bạc nhà nước và các ngân hàng… giúp cơ quan Nhà nước tăng cường hiệu quả công tác quản lý, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần tích cực cùng toàn hệ thống NH thực hiện có hiệu quả chủ trương và đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ…
Để tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020, Agribank đã chủ động triển khai ký kết với nhiều DN, đặc biệt là DNNVV, khu vực nông thôn, bảo hiểm xã hội… để thanh toán, trợ cấp xã hội qua thẻ ghi nợ nội địa. Sự liên kết này mang lại kết quả tích cực cho NH khi tổng thu dịch vụ thẻ của Agribank năm 2016 tăng 22% so với năm 2015, với tổng số lượng thẻ phát hành luỹ kế đến hết năm 2016 đạt 19,2 triệu thẻ, chiếm 18% thị phần về phát hành thẻ toàn thị trường...
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang từng bước hội nhập ngày càng sâu rộng và xu hướng gia tăng sử dụng các SPDV tài chính ngân hàng cùng sự đột phá của các Fintech, Agribank luôn định hướng phát triển, cải tiến, đa dạng hóa các SPDV tài chính đồng thời chú trọng phát triển, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin của mình góp phần thúc đẩy và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính đối với mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân.