Cơ hội mở rộng thị phần cá tra vào Mỹ
Cá tra đối mặt xuất khẩu khó khăn | |
Thị trường tiềm năng cho cá tra Việt | |
Cá tra chinh phục thị trường nội địa |
9 tháng đầu năm 2018 cũng ghi nhận những bức tranh xuất khẩu ca tra khá ấn tượng. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong 9 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,6 tỷ USD, gần bằng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2017, trong đó xuất khẩu vào Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Cuộc chiến tranh thương mại ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được cho sẽ là cơ hội cá tra của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.
Cá tra của Việt Nam gần như thống lĩnh tại thị trường Mỹ |
Sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ và Trung Quốc nổ ra hồi đầu tháng 7 và đang có xu hướng leo thang khi Mỹ tiếp tục áp thuế 10% lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc, trong đó lần đầu tiên Mỹ áp thuế với các sản phẩm thủy sản, rau quả, thực phẩm chế biến. Năm 2017 xuất khẩu các mặt hàng nông - thủy sản của Trung Quốc sang Hoa Kỳ đạt tới 5,3 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành đến từ Đại học Fubright Việt Nam, cũng không loại trừ khả năng có thể xảy sự leo thang tiếp theo của chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Nếu điều đó xảy ra thì các sản phẩm nông thủy sản của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Đó là cơ hội cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng.
Cùng với đó là thông tin tích cực từ việc Cục An toàn thực phẩm và Dịch vụ giám định (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chính thức hoàn thành việc kiểm tra hôm 14/9 và công bố các loại cá da trơn tại Việt Nam, trong đó có cá tra, là hoàn toàn tương đương với các loại cá da trơn hiện đang sử dụng tại Mỹ. Cùng với công bố này Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan đã hội đủ các điều kiện để tiếp tục nhập khẩu cá da trơn vào thị trường Mỹ. USDA đã hạ mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra Việt Nam từ 3,87 USD/kg xuống còn 0,41 USD/kg đối với một số DN như C.P Việt Nam, Cửu Long.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết luận sơ bộ của Hoa Kỳ về thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14), giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 có mức thuế giảm mạnh so với kết quả cuối cùng của kỳ POR 13. Mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg so với mức của kỳ POR 13 là 3,78 USD/kg. Hùng Vương (HVG) được hưởng mức thuế 0% từ mức 3,87 USD/kg trong đợt POR 13. AGF cũng nằm trong diện hưởng mức thuế 0%.
Đây sẽ là cơ hội tốt đối với thị trường cá tra Việt Nam, giúp Việt Nam có thể giành lợi thế và tăng thêm 5,2% thị phần tại thị trường Mỹ, Chứng khoán ACB (ACBS) khẳng định.
Đóng góp khoảng 35% tổng khối lượng và 40% về giá trị xuất khẩu - DN xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Mỹ, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC), được hưởng lợi từ tranh chấp thương mại hiện tại giữa Trung Quốc và Mỹ khi trở thành lựa chọn nhập khẩu thay thế.
Giá bán vẫn đang là yếu tố thúc đẩy doanh thu xuất khẩu cho VHC. Giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đã tăng 34,3% so với cùng kỳ và trong quý III/2018, giá xuất khẩu đã tăng mạnh hơn một chút, thậm chí tăng 37% so với cùng kỳ. Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2018 của VHC phản ánh điều này với doanh thu thuần tăng 25% so cùng kỳ năm trước đạt 2.526 tỷ đồng trong khi giá vốn hàng bán chỉ tăng nhẹ 2% lên 1.771 tỷ đồng giúp lãi gộp Vĩnh Hoàn tăng vọt lên 755 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Vĩnh Hoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.036 tỷ đồng, vượt 67% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2018. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng đạt 11.165 đồng.
Tuy nhiên, VASEP cũng lo ngại rằng, trong cuộc chiến thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều nghi ngờ nhau nên họ sẽ đặt ra những hàng rào kỹ thuật gắt gao hơn với hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang cả hai thị trường này. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng các DN thủy sản Trung Quốc sẽ “mượn” Việt Nam để lấy xuất xứ và xuất đi Mỹ. Do vậy, các DN cần phải nhìn nhận vào thực tế thị trường khẳng định vị trí của mình, nâng cao chất lượng và minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, tranh thủ thời cơ nhưng cũng không quá kỳ vọng vào cuộc chiến tranh đó.