Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Làm gì để UBCT Quốc gia phát huy vai trò?
Sửa đổi Luật Cạnh tranh: Cứu DN Việt thoát “thế thua” trên sân nhà | |
Luật vẫn còn mờ nhạt |
Dù được xem là bản dự thảo cuối cùng trước khi trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới, song còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến vai trò quyền hạn của Ủy ban cạnh tranh (UBCT) Quốc gia… Các ý kiến đề nghị, UBCT Quốc gia nên được quy định là cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy nền kinh tế phát triển |
Sẽ thành lập UBCT Quốc gia
Tại hội thảo, Ban soạn thảo đã cung cấp thông tin và giới thiệu cho các đại biểu tham dự về những nội dung mới đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) so với bản dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì những nội dung này đã có sự thống nhất của các cơ quan Quốc hội và Chính phủ, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.
Điểm mới đã được chỉnh lý, sửa đổi so với bản dự thảo trước là về phạm vi điều chỉnh. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của luật bao gồm cả các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo đã quy định UBCT Quốc gia có trách nhiệm tiến hành các hoạt động hợp tác với các cơ quan cạnh tranh nước ngoài trong quá trình tố tụng cạnh tranh để kịp thời phát hiện, điều tra và xử lý đối với các hành vi được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam thông qua các cam kết quốc tế về cạnh tranh trong các hiệp định thương mại song phương, đa phương...
Một điểm mới khác là về cơ quan cạnh tranh. Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH và chuyên gia, Ủy ban Kinh tế, Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan đã thống nhất 2 nội dung lớn liên quan đến quy định về cơ quan này:
Thứ nhất, để bảo đảm cho cơ quan cạnh tranh có đủ cơ sở pháp lý với tư cách là một cơ quan độc lập, hoạt động tuân theo pháp luật và có đủ thẩm quyền thực hiện tốt hoạt động tố tụng cạnh tranh thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cạnh tranh cần phải được quy định ngay trong luật.
Thứ hai, nếu quy định cơ quan cạnh tranh chỉ là một đơn vị hành chính trực thuộc Bộ Công thương trên cơ sở hợp nhất của 3 cơ quan gồm: Cơ quan quản lý cạnh tranh (trực thuộc Bộ Công thương), Hội đồng cạnh tranh (do Chính phủ thành lập, các thành viên của Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm) và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh, thì địa vị pháp lý và tính độc lập của cơ quan cạnh tranh còn thấp hơn so với quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, khó bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Cạnh tranh.
Do vậy, dự thảo luật đã định danh cơ quan cạnh tranh là UBCT Quốc gia, là cơ quan trực thuộc Bộ Công thương, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh để xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, dự thảo Luật còn bổ sung quy định rõ người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các ủy viên UBCT Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật…
Còn không ít quan ngại
Tuy nhiên, khi thảo luận về nội dung này, một số ý kiến tỏ ra không đồng tình và cho rằng, dù đang chờ Quốc hội chốt để bấm nút nhưng với tư cách cử tri, họ rất quan ngại việc để UBCT Quốc gia trong Bộ Công thương.
“Bộ Công thương chỉ phụ trách một số lĩnh vực, không thể thay mặt Nhà nước xử lý về chính sách cạnh tranh được. Cạnh tranh là linh hồn thị trường, Luật Cạnh tranh là Hiến pháp của thị trường về kinh doanh. Vậy thì không thể đưa về một Bộ chỉ phụ trách một góc của thị trường để điều chỉnh toàn bộ thị trường”, chuyên gia pháp chế Trần Hữu Huỳnh băn khoăn về tính khả thi của quy định này.
Một số ý kiến khác thì đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ, cụ thể Nhà nước sẽ được độc quyền trong lĩnh vực nào: “Sự cạnh tranh mang lại lợi ích cho nền kinh tế, nhưng độc quyền lại cản trở sự phát triển và thiệt thòi cho NĐT mà chúng ta đã thấy rõ trong những năm qua. Nếu không quy định rõ sẽ có sự lập lờ và dễ bị lạm dụng”.
Bên cạnh đó, có một số quan điểm lo ngại khi cho rằng Dự thảo luật này đang tạo ra 2 trở ngại tương tự 2 giấy phép con với DN. Thứ nhất đã đặt ra quy định miễn trừ với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Nhưng để đạt được lợi ích này, DN phải làm hồ sơ xem xét được miễn trừ và đây chính là loại giấy phép con trá hình.
Thứ hai là là phải xin phép tập trung kinh tế. Các ý kiến cho rằng, việc sáp nhập, mua bán, liên doanh liên kết, hay mua bán cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng trước khi tập trung… là hoạt động rất bình thường của DN. Nay lại phải xin phép, trong khi việc này không hề dễ dàng với DN vì rất nhiều loại thủ tục, giấy tờ khác nhau.
“Với 9 loại giấy tờ, 7 ngày xem xét… tổng thời gian ít nhất cũng mất khoảng 2 tháng, lâu hơn có thể mất nửa năm. Như vậy là quá cản trở, tạo nhiều cơ chế xin cho…”, một ý kiến khác quan ngại.