Sửa đổi Luật Cạnh tranh: Cứu DN Việt thoát “thế thua” trên sân nhà
Luật vẫn còn mờ nhạt | |
Khi pháp luật cạnh tranh bị “thất sủng” | |
Luật Cạnh tranh: 10 năm vẫn khó vận dụng |
Để cứu DN Việt đang thất thủ ngay trên sân nhà, trong phiên họp của UBTVQH ngày 14/9, Chính phủ đã trình Dự án Luật Cạnh tranh sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành, không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam. Mục tiêu quan trọng nhất của việc sửa đổi là: “Bảo vệ môi trường cạnh tranh/hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trên thị trường, thông qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng Việt Nam”.
Chính phủ nhìn nhận, sau hơn mười năm thực thi Luật Cạnh tranh, trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ sản phẩm hay các giao dịch mua bán, sáp nhập được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Ví như một số nhà sản xuất, phân phối và nhập khẩu hàng tiêu dùng có thể thỏa thuận ấn định giá xuyên biên giới để tăng giá bán tại thị trường nội địa Việt Nam (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh), gây tác động bất lợi tới người tiêu dùng và các DN không trực tiếp tham gia vào thỏa thuận đó; Nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (tập trung kinh tế) có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam…
Theo Chính phủ, trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh như trên và công luận cho thấy cần có sự can thiệp và điều chỉnh của cơ quan cạnh tranh. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh mở rộng cũng phù hợp với xu hướng pháp luật cạnh tranh của nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Ca-na-đa…
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh sẽ đem lại một số hiệu ứng tích cực như tạo hành lang pháp lý để xem xét và xử lý triệt để, toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu mà có tác động hoặc có khả năng gây tác động bất lợi đối với thị trường. Việc xử lý kịp thời các hành vi xuyên biên giới góp phần tạo sự ổn định cho nền kinh tế nội địa thông qua việc ổn định các yếu tố thị trường như yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra của nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường các lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực chủ chốt hoặc lĩnh vực phục vụ dân sinh của nền kinh tế.
“Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo nền tảng để cơ quan cạnh tranh Việt Nam có thể hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các quốc gia khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương…”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Tán thành với việc mở rộng này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về tính khả thi của quy định này trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật nào; bổ sung số liệu về các hành vi của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam trong thời gian qua.
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định về các hành vi cụ thể của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam, cụ thể hóa hơn quy định “có khả năng” gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.
Một điểm nổi bật khác trong sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này là mở rộng đến mọi đối tượng liên quan tới cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến cạnh tranh và trái với pháp luật đều phải bị xử lý mà không phụ thuộc vào việc chủ thể thực hiện hành vi có chức năng kinh doanh hay không. Việc mở rộng đối tượng là một chính sách phù hợp với các mục tiêu, định hướng chung phát triển kinh tế của một Chính phủ kiến tạo, khuyến khích và tạo lập môi trường cạnh tranh, môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và không phân biệt đối xử.
Song, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, rà soát bảo đảm quy định đầy đủ; chỉnh sửa lại cho phù hợp với khái niệm DN đã được quy định trong Luật DN, đồng thời làm rõ các chủ thể như hợp tác xã, hộ kinh doanh và các chủ thể kinh doanh khác như hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, DN Việt Nam tại nước ngoài… có thuộc đối tượng áp dụng của luật này hay không.