Luật vẫn còn mờ nhạt
Khi pháp luật cạnh tranh bị “thất sủng” | |
Đối trọng để doanh nghiệp cạnh tranh | |
Luật Cạnh tranh: 10 năm vẫn khó vận dụng |
12 năm có Luật không bảo vệ được bất cứ DN hay nhóm DN nào
Theo các chuyên gia pháp chế, sau 12 năm Luật Cạnh tranh được thực thi, Luật này đang bộc lộ rõ những hạn chế trong thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng hội nhập và phát triển như hiện nay. Luật Cạnh tranh 2004 đang bộc lộ những điểm không còn phù hợp gây khó khăn cho DN trong việc xác định như thế nào là vi phạm cạnh tranh; cạnh tranh không lành mạnh, hay lạm dụng vị trí để độc quyền, cũng như việc xác định nhà nước quản lý bằng công cụ hành chính hay cạnh tranh. Nếu nhà nước là chủ thể vi phạm thì căn cứ vào phương thức nào để xử lý; DN dựa vào chế định nào để bảo vệ được quyền lợi của mình…
Luật Cạnh tranh chưa làm được sứ mệnh là bảo vệ môi trường cạnh tranh, bảo vệ động lực của nền kinh tế |
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, sau 12 năm thực thi Luật Cạnh tranh, Luật này đã để lại dấu ấn khá mờ nhạt trong khi chuyển động của thị trường như vũ bão. Trong thời gian đầu thực thi Luật này (từ năm 2005 đến năm 2007) mới chỉ xử phạt được trên 80 triệu đồng về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đến năm 2016, số tiền này dù đã tăng lên 2,1 tỷ đồng, nhưng vẫn là con số rất nhỏ. Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh, nhưng pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ.
Trên thực tế, hiện nay các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được đề cập đến trong một số luật như: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bảo vệ người tiêu dùng… nhưng các luật này đều chưa bao quát hết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh lần này, vừa phải đảm bảo không chồng chéo với các luật khác, vừa phải lấp được chỗ trống luật pháp về cạnh tranh. Bên cạnh đó, mô hình và địa vị pháp lý của cơ quan cạnh tranh, là phải theo tinh thần về tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 39 của Trung ương là không thành lập tổ chức bộ máy mới.
Và một dự thảo “Luật Cạnh tranh mới” đã được xây dựng.
Nguyên nhân có nhiều nhưng các chuyên gia nhìn nhận do mô hình cơ quan thực thi chưa phù hợp. Hiện Việt Nam có 2 cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh là Cục Quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh. Từ đó dẫn đến thực trạng là công tác phát hiện, điều tra, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, Luật Cạnh tranh chưa làm được sứ mệnh là bảo vệ môi trường cạnh tranh, bảo vệ động lực của nền kinh tế, không bảo vệ được bất cứ DN hay nhóm DN nào.
Xóa khoảng mờ trong quản lý cạnh tranh
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, mô hình gồm hai cơ quan thực thi cạnh tranh hiện nay là Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương và Hội đồng Cạnh tranh có mâu thuẫn và xung đột về lợi ích, yếu về thẩm quyền. Tồn tại này làm kéo dài quá trình giải quyết các vụ việc về cạnh tranh. Trong khi đó, việc thực thi chính sách cạnh tranh của các cơ quan quản lý, chính quyền cũng như các cán bộ công chức, viên chức… còn những bất cập.
Thực tế cho thấy, đang có “khoảng mờ” về mặt kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh và các chế tài xử lý vi phạm không rõ ràng. Những thỏa thuận “ngầm” giữa các DN, các hiệp hội DN với nhau để bảo vệ quyền lợi của họ làm phương hại đến lợi ích của cạnh tranh, quyền lợi của người tiêu dùng. Từ thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cho phù hợp và sát thực tế hơn để Luật Cạnh tranh trở thành một công cụ quản lý nhà nước quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường hiện đại.
Trong phiên họp Chính phủ vừa diễn ra, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) đã được chính thức “ra mắt” để xin ý kiến Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, xuất phát từ vị trí, vai trò của cạnh tranh trong phát triển kinh tế đất nước, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh 2004 để phục vụ cho mục tiêu quan trọng nhất là “tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN trên thị trường, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, phân bổ hiệu quả các nguồn lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Theo đó, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở và định hướng bảo vệ môi trường cạnh tranh và hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trên thị trường. Qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, bảo đảm tính công bằng, minh bạch, khách quan trong quá trình tố tụng; kết hợp chặt chẽ giữa tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, trong đó, nhấn mạnh mục tiêu tăng cường hiệu quả cho công tác thực thi luật; Nhà nước phải bảo đảm vai trò trung tâm trong hoạt động bảo vệ cạnh tranh trên thị trường.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, điểm mới trong Dự thảo lần này là tập trung mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Trong đó kiểm soát đối tượng có khả năng gây phản cạnh tranh: cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp, hiệp hội DN và DN…
Liên quan đến điều chỉnh cơ quan quản lý cạnh tranh, ông Tuấn cũng cho biết, trong dự thảo này đang đề xuất xây dựng mô hình đơn nhất quy định thẩm quyền của cơ quan ở vị trí cao hơn, cụ thể trực thuộc Chính phủ và do Chính phủ thành lập thay vì hai cơ quan quản lý cạnh tranh đang hoạt động độc lập như hiện nay là Hội đồng cạnh tranh Việt Nam và Cục Quản lý cạnh tranh.
Được biết, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017) và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018). Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ thể chế hóa, hiện thực hóa và cụ thể hóa một cách nhanh chóng, kịp thời chủ trương xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, văn minh, cạnh tranh vì mục đích phát triển đất nước và bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, kiểm soát độc quyền trong kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh mà Nhà nước đề ra.