Luôn tiếp sức cho doanh nghiệp
Gỡ rào chắn tín dụng
Nếu như trước đây, tiếp cận vốn luôn là bài toán khó cho các DNNVV chứ chưa nói tới DN siêu vi mô, thì từ tháng 4/2016, VietinBank triển khai chính sách “Sản phẩm tiền vay kết hợp tiền gửi thanh toán hoặc tiền gửi không kỳ hạn cho khách hàng DN siêu vi mô”. Không chỉ là mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho các DN này mà VietinBank còn xem xét cho vay với mức lãi suất ưu đãi giảm tới 2% so với mức lãi suất hiện hành.
Ở cấp độ quy mô hơn và bài bản hơn, chương trình kết nối ngân hàng - DN mà NHNN đã khởi xướng trong 3 năm qua đã trở thành chiếc cầu nối tín dụng đến gần hơn với nhu cầu phát triển kinh tế cũng như DN. Không chỉ thực hiện trên diện rộng 63 tỉnh thành, nhịp cầu này thêm rộng cùng với việc NHNN phối hợp với các Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, và ngay các TCTD cũng mở những con đường phối hợp kết nối đầu tư với tỉnh trong các hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch.
Các DN, đặc biệt là DNNVV sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng |
Chỉ tính riêng trong Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long - MDEC Hậu Giang 2016, 7 TCTD tiếp tục cam kết tài trợ vốn cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng, trong đó 16 hợp đồng tín dụng tiêu biểu với số tiền gần 10.000 tỷ đồng được ký kết tại hội nghị.
Đó chỉ là một trong những minh chứng cho việc thực thi có hiệu quả của NHNN và các TCTD chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, của NHNN trong công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường kinh doanh với tư tưởng chỉ đạo và hành động xuyên suốt từ người đứng đầu NHNN là “Lấy lợi ích, sự hài lòng cho người dân, tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa các nguồn lực làm thước đo CCHC”.
Vai trò của một cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo lưu thông huyết mạch vốn cho nền kinh tế được chuyển thể bằng chính sách với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, trọng tâm là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Các văn bản pháp luật ban hành, cùng việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của NHNN đã đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cấp bách trung, dài hạn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, tạo điểm tựa vững chắc trong hoạt động của hệ thống DN.
Minh bạch thông tin, trợ lực DNNVV
Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với những FTA thế hệ mới đòi hỏi những điều hành cùng cải cách chính sách của NHNN cần có những bước đột phá mới. Những vấn đề này đã được Ban lãnh đạo NHNN đặt ra và càng thêm những đích đến rõ ràng cùng với chỉ đạo điều hành của Chính phủ mới đây trong Nghị quyết 35/NQ-CP và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.
Một kế hoạch hành động mang tính tổng thể nhất của ngành Ngân hàng đã được xây dựng nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 đã được Thống đốc NHNN ban hành.
Mục tiêu nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia được đặt lên hàng đầu. Thống đốc đã chỉ đạo các đơn vị trong NHNN chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các tổ chức quốc tế tìm hiểu rõ phương pháp, cách tính, ý nghĩa của chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia, đồng thời cung cấp thông tin liên quan đến ngành Ngân hàng để các tổ chức quốc tế có căn cứ xác thực để xếp hạng. Mục tiêu cũng đã được lượng hoá với việc đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước đứng đầu chỉ số tiếp cận tín dụng theo đánh giá của World Bank. Tuy nhiên, đây là mục tiêu của dài hạn.
Còn trước mắt, trong năm 2016, NHNN sẽ tập trung vào việc cung cấp thông tin tín dụng, coi đây là điểm đột phá để tạo điều kiện cho người dân và DN tiếp cận thuận lợi các dịch vụ ngân hàng, cũng như minh bạch hóa thông tin tín dụng góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch cạnh tranh.
Theo đó, NHNN sẽ hoàn thiện mô hình xếp hạng tín dụng khách hàng DN đạt chuẩn quốc tế, duy trì và nâng cấp mô hình chấm điểm tín dụng khách hàng vay thể nhân dựa trên các thông tin bổ sung. NHNN cũng sẽ tập trung nâng cao độ phủ về thông tin tín dụng, mở rộng nguồn thông tin phi truyền thống từ các DN cung cấp dịch vụ tiện ích như điện nước, bưu chính, viễn thông…
Một điểm nhấn khác được đặt ra trong năm 2016 cũng như các năm tiếp theo đó chính là tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đặc biệt là DNNVV. Những kế hoạch, hành động cụ thể đã được đặt ra và quán triệt thực hiện từ người đứng đầu các đơn vị, TCTD cho tới từng người lao động. Đó là việc thay đổi tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức không chỉ trong việc xử lý các thủ tục hành chính mà ngay cả quan hệ có tính chất hành chính, tính chất thủ tục. Công nghệ cũng sẽ được áp dụng mạnh mẽ trong CCHC để giảm bớt thời gian, để luân chuyển nhanh hơn các điều hành giữa NHNN và các TCTD.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện có kết quả chương trình kết nối ngân hàng - DN, xác định đây là chương trình lâu dài, NHNN cũng sẽ tạo điều kiện cho các TCTD có khả năng và cam kết mở rộng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành để rà soát xây dựng, sửa đổi, tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách hỗ trợ DN nhất là DNNVV thông qua quỹ bảo lãnh, quỹ phát triển DN.
NHNN cũng sẽ xây dựng riêng một chuyên mục hỗ trợ và phát triển DN nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về các chương trình hỗ trợ DN đồng thời tiếp nhận những thông tin phản hồi từ cộng đồng DN đặc biệt là DNNVV. Cùng với việc NHNN chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay có lộ trình cắt giảm phí dịch vụ, cơ hội tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng của DN sẽ ngày càng rộng mở. Đây sẽ là điểm tựa cho DN phát triển và hội nhập cùng đất nước.
Nếu so sánh chất lượng phục vụ của các TCTD 10 năm trước, thậm chí là 5 năm gần đây thôi, cũng đủ nhìn thấy những bứt phá trong chất lượng cung ứng các dịch vụ cho nền kinh tế. “Sự chuyển biến này không chỉ đáp ứng tâm điểm, mục tiêu cạnh tranh của TCTD mà còn là nhiệm vụ thực hiện theo sự chỉ đạo của NHNN và chương trình cải cách hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và người dân. Cùng với các chính sách điều hành linh hoạt của NHNN, môi trường kinh doanh cho TCTD cũng như người dân và DN đang dần hoàn thiện đáp ứng yêu cầu hội nhập”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết. |