Cần nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi
Ông Lê Duy Bình |
TS. Lê Duy Bình - Tổng giám đốc Công ty tư vấn Quản lý kinh tế Economica Vietnam đã có cuộc trao đổi với PV Thời báo Ngân hàng xung quanh dự luật này.
Ông đánh giá tác động chung của luật như thế nào?
Sau Luật DN, Luật Đầu tư và hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói chung, đây là lần đầu tiên sau gần 30 năm đổi mới và 15 năm bắt đầu công tác hỗ trợ DNNVV, Việt Nam có một văn bản luật dành cho DNNVV thuộc mọi thành phần kinh tế.
Theo nghiên cứu đánh giá tác động của chúng tôi, luật hỗ trợ DNNVV nhằm giải quyết thực trạng lo ngại hiện nay là quy mô DN quá nhỏ, thiếu vắng DN cỡ vừa. Tuy gián tiếp, nhưng luật này sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, khuyến khích quá trình chính thức hóa hoạt động kinh doanh của nền kinh tế, nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của DN.
Với chính sách hỗ trợ về ưu đãi thuế như dự thảo, chi phí thuế của DN giảm được 4-5 tỷ đồng/năm, như vậy tỷ suất lợi nhuận của DN sẽ được cải thiện. Với ưu đãi như dự thảo, số DN xuất nhập khẩu trực tiếp sẽ tăng lên, hiện nay là 52.000 DN, 10 năm tới sẽ là 100.000 DN. DNNVV nắm bắt các cơ hội do AEC, TPP, EVFTA và các hiệp định thương mại khác mang lại.
Hiện đã có nhiều quỹ hỗ trợ cho vay hay bảo lãnh cho vay DNNVV nhưng chưa hiệu quả |
Theo dự thảo các đơn vị sử dụng NSNN để mua sắm công phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% ngân sách hoặc 20% số lượng hợp đồng hàng năm để mua sắm sản phẩm, dịch vụ của DNNVV. Điều này góp phần mở rộng thị trường cho DNNVV với khả năng cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước trị giá xấp xỉ 21 tỷ USD. Nếu điều này được thực hiện nghiêm túc, đây sẽ là gói kích cầu đối với sản phẩm và dịch vụ của DNNVV với tổng trị giá 4,2 tỷ USD. Khoảng 40.000 DNNVV có cơ hội được cung cấp dịch vụ, sản phẩm qua các hợp đồng mua sắm công.
Ngoài ra, khoảng 27.000 ha đất tại các KCN, khu tiểu thủ công nghiệp sẽ được khuyến khích cho DNNVV thuê.
Theo dự thảo: DN được hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại NHTM, tại quỹ và các định chế tài chính khác. Lượng hóa khả năng nguồn vốn dành cho DN là bao nhiêu, theo nghiên cứu của ông?
Với cơ chế khuyến khích các tổ chức tín dụng dành 30% dư nợ cho vay DNNVV, sẽ có ít nhất 397.000 tỷ đồng (khoảng 18 tỷ USD) từ các NHTM và ít nhất là 7.560 tỷ đồng sẽ tới được các DNNVV thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng.
Đánh giá tác động của dự luật này tới nền kinh tế, tới xã hội thế nào, thưa ông?
Cùng với các tác động của Luật DN, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ góp phần đạt được mục tiêu có thêm 550.000 DN mới được thành lập và duy trì hoạt động. Như vậy, sẽ có ít nhất 235.000 tỷ đồng được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh, và thêm một nguồn thu thuế mới vô cùng quan trọng với tiềm năng thu thuế khoảng 429.000 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, sẽ có thêm 8,5 triệu việc làm mới. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội do nó góp phần làm tăng độ che phủ bảo hiểm y tế từ 70 triệu người lên 78,2 triệu người, đạt độ bao phủ 85,5% (so với mức 76,5% hiện nay) tăng độ che phủ bảo hiểm xã hội lên 50% và độ che phủ bảo hiểm thất nghiệp lên 35% lực lượng lao động.
Với 8,5 triệu việc làm được tạo ra góp phần chuyển dịch 8,5 triệu lao động từ khu vực nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ: giả định thu nhập tại khu vực phi nông nghiệp cao gấp 3,2 lần khu vực nông nghiệp (4,8 triệu so với 1,5 triệu, GSO 2014), tổng thu nhập tăng thêm của người dân sẽ là 32.600 tỷ đồng (1,46 tỷ USD). Giảm tỷ lệ thất nghiệp: 2,31% và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Giảm tỷ lệ thiếu việc làm: 2,32% (2015); Giảm các tệ nạn xã hội, đóng góp cho ổn định xã hội. DN cải thiện dịch vụ công: giáo dục, y tế, văn hóa, cấp nước...
Có nhiều chính sách và có tới 5 chương trình hỗ trợ được đưa ra, vậy chi phí cho các chương trình chính sách này là bao nhiêu?
Với giả định thận trọng và tính ở mức tối thiểu, chúng tôi thấy mỗi năm chi cho 5 chương trình hỗ trợ là 11.855 tỷ đồng (Khởi nghiệp: 1.260 tỷ đồng/ năm; Chẩn đoán và tư vấn nâng cao năng lực sản xuất: 1.500 tỷ đồng/năm; Phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị: 170 tỷ đồng/năm; Đổi mới sáng tạo: 7.800 tỷ đồng/năm; Hỗ trợ DNNVV hội nhập 1.125 tỷ đồng). Mức chi này vào khoảng 1,6% tổng chi ngân sách năm 2015.
Và cần thêm 6.890 tỷ đồng chi phí khác: trong đó cần tối thiểu 1.890 tỷ đồng từ NSNN để hình thành các quỹ bảo lãnh tín dụng và ngân sách giảm thu 4.000-5000 tỷ đồng do miễn giảm thuế thu nhập DN và thuế môn bài cho DNNVV: 4-5 ngàn tỷ đồng, miễn giảm tiền thuê đất cho các chủ đầu tư khu công nghiệp khi cho DNNVV vay vốn là 15 tỷ đồng.
Để thực hiện các chương trình này, các cơ quan vừa phải phân công lại, vừa tuyển thêm người (ước tới 4.388 người), tăng chi phí tiền lương hành chính (329 tỷ đồng) và thủ tục hành chính cũng tăng lên kéo theo chi phí tuân thủ của thủ tục tăng (592 tỷ đồng).
Tổng cộng chi phí mỗi năm gần 19.000 tỷ đồng.
Vì sao còn nhiều ý kiến e ngại về tính khả thi và tính hợp lý của dự luật?
Theo như dự thảo thì chưa thấy rõ nguồn lực thực hiện hỗ trợ, liệu có phải là từ nguồn ngân sách, hay nguồn nào khác… Với mức chi phí lớn như vậy, chúng ta phải tính toán lại các phương án hỗ trợ trong dự thảo. Chúng ta cần thiết kế các chương trình sao cho khả thi hơn, không quá tham vọng, và chú trọng vào các chương trình mang lại hiệu quả và lợi ích cao nhất.
Về tính hợp lý, ví dụ như yêu cầu NHTM hỗ trợ cho vay DNNVV với lãi suất ưu đãi, về đạo lý là tốt. Nhưng như dự thảo, NHTM sẽ điều chỉnh cơ cấu tín dụng hướng tới DNNVV thông qua việc Chính phủ sẽ dành một số ưu đãi cho các NHTM khi đạt được tỷ lệ dư nợ tối thiểu cho DNNVV là 30% hoặc cho DNNVV vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển. Chính phủ sẽ phải quy định chi tiết các ưu đãi đó, có thể là các biện pháp như tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chiết khấu, tái cấp vốn; khoanh nợ và xử lý rủi ro; trích lập dự phòng... Như vậy rất có thể mâu thuẫn với các quy định về đảm bảo an toàn trong Luật Các tổ chức tín dụng và mâu thuẫn với nhiệm vụ kinh doanh phải có lãi của NHTM vì NHTM cũng là DN. Những quy định như dự luật sẽ làm chi phí giao dịch của NHTM tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận của NHTM.
Sự hỗ trợ mà DN cần nhất là một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thủ tục hành chính đơn giản, dễ dàng... |
Hiện đã có nhiều quỹ hỗ trợ cho vay hay bảo lãnh cho vay DNNVV nhưng chưa hiệu quả, nguyên tắc hoạt động không tuân thủ các nguyên tắc thương mại. Nay dự thảo lại đưa ra việc lập nhiều quỹ hơn. Để đảm bảo tính khả thi của quy định này, cần phải đánh giá lại tác động và tính hiệu quả của các quỹ hiện có.
Theo ông, đâu là giải pháp có lợi nhất, hiệu quả nhất về mặt kinh tế và xã hội cho toàn bộ nền kinh tế và cho DNNVV?
Luật phải được thiết kế thế nào để DNNVV được thụ hưởng lợi ích để lớn mạnh, còn Nhà nước không can thiệp quá sâu với các mệnh lệnh hành chính và các chương trình duy ý chí. Các hoạt động hỗ trợ phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường, không làm méo mó các văn bản pháp luật khác.
Hỗ trợ DN là rất cần, hỗ trợ bằng nguồn lực là rất quý trong bối cảnh DN rất thiếu vốn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ mà DN cần nhất, và có tính quyết định nhất đó là với vai trò kiến tạo, Nhà nước sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, công bằng, minh bạch, chi phí thấp, thủ tục hành chính đơn giản, dễ dàng, Đây mới là những hỗ trợ mà các DNNVV mong muốn và kỳ vọng nhất.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!