Lượng phải đi đôi với chất
Môi trường cũng như kết quả hoạt động kinh doanh của hệ thống NH tiếp tục được cải thiện tích cực trong quý I/2016, hứa hẹn sẽ tiếp nối đà tăng trưởng bền vững trong quý II cũng như cả năm 2016. Thanh khoản dồi dào, tỷ lệ nợ xấu hay mức độ rủi ro của các NH vẫn là những vấn đề tồn tại nhưng đã có chiều hướng giảm.
Với đà phục hồi của cả nền kinh tế, trải qua giai đoạn tái cơ cấu nhiều khó khăn thời gian qua, sức khoẻ của hệ thống NH ngày càng được cải thiện. Kết thúc quý I/2016, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều NHTM đang rất tích cực để đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà NHNN đã giao: Vietcombank đặt mục tiêu TTTD 17%, VietinBank cao hơn một chút là 18%; MB là 20%...
Hết quý I/2016, Vietcombank đạt mức tăng tín dụng 6,5% trong khi nguồn vốn NH này chỉ tăng 2,7%, tỷ lệ nợ xấu là 1,76% (giảm so với đầu năm). MB cũng có mức tăng trưởng được đánh giá là tích cực với tăng trưởng dư nợ khoảng 2,3%; nợ xấu ở mức 1,61% (giảm so với cuối năm 2015 là 1,62%).
Kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng là yêu cầu đặt ra của toàn hệ thống |
Tín dụng là đòn bẩy của tăng trưởng NH. Nhưng theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính, lợi nhuận của NH ngày càng bị “bào mòn” bởi các chiến lược đầu tư dài hạn cho mục tiêu phát triển bền vững, cũng như việc đảm bảo chất lượng tài sản. Đơn cử, hiện nhiều NHTM tốn khá nhiều chi phí cho đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hay tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro... Những chi phí này sẽ khiến các NH chỉ có thể kỳ vọng giữ được lợi nhuận ở mức ổn định, chứ để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian ngắn thì chưa có cơ sở.
Nhưng tín dụng vẫn mang lại nguồn thu chủ yếu cho NH nên TTTD cao sẽ phần nào bù đắp chi phí đầu tư mà NH bỏ ra. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh tín dụng, tăng lợi nhuận thì mỗi NH phải có một kế hoạch, mục tiêu cụ thể với từng hạng mục, lĩnh vực đầu tư... để cân đối hài hoà với năng lực tài chính của NH mình. Các chuyên gia cho rằng, dù NHNN chưa “siết” tín dụng cho bất động sản nhưng bản thân các NH vẫn lưu tâm tới một số lĩnh vực thường có nhiều rủi ro như tín dụng bất động sản
Với thực trạng vốn đầu tư cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào NH như hiện nay thì TTTD chính là một trong những động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung, cũng như lợi nhuận hệ thống NH nói riêng. Nhưng đi cùng với đó, thì việc kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng là yêu cầu đặt ra không chỉ của đơn lẻ mỗi NHTM mà còn là nhiệm vụ chung của toàn hệ thống. Đây cũng là điều mà các NHTM cần đặc biệt chú trọng trước khi bàn tới mục tiêu lợi nhuận.
Lãnh đạo một NHTM đánh giá, kỳ vọng TTTD của các NH trong năm 2016 có phần nghiêng về thị phần bán lẻ. Kết thúc mùa đại hội cổ đông vừa qua, danh sách các NHTM trình hồ sơ xin sáp nhập, thành lập thêm các công ty tài chính tiêu dùng, công ty kiều hối... đã một lần nữa khẳng định tín dụng bán lẻ vẫn là lĩnh vực tiềm năng thu hút NH. Thói quen của người tiêu dùng ngày nay cũng có sự dịch chuyển khi việc vay mượn từ các công ty tài chính đã nhiều hơn so với trước kia, nên áp lực cạnh tranh cung ứng tín dụng tăng, nhất là khi các TCTD phi NH thường có những sản phẩm có phần phong phú, điều kiện cho vay “thoáng” hơn NH.
Về mặt quản lý nhà nước, để đạt được mục tiêu TTTD 18 - 20% trong năm nay, góp phần hỗ trợ tăng trưởng của cả nền kinh tế, nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống, giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 3% là bài toán không dễ đối với NHNN. NHNN chủ trương kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng; yêu cầu các TCTD tiếp tục theo đuổi phương châm mở rộng tín dụng nhưng vẫn phải đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng hợp lý... Như vậy, với các NHTM dù hoạt động tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận chính nhưng họ phải thuộc lòng yêu cầu của NHNN: Lượng phải đi đôi với chất.