M&A bán lẻ: DN nội cùng lớn hay tự triệt tiêu?!
Theo bà Đặng Chương Linh, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các FTA thế hệ mới đã và sắp ký kết sẽ giúp các DN Việt Nam học hỏi kinh nghiệm về quản lý, sử dụng vốn và lao động cũng như có cơ hội hợp tác phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhưng hội nhập cũng sẽ đòi hỏi các DN phải trực tiếp cạnh tranh gay gắt và đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm bởi các DN ngoại đặc biệt là ngành bán lẻ của Việt Nam.
Dậy sóng M&A
Những ngày đầu tháng 5, thị trường bán lẻ ngỡ ngàng trước thông tin hệ thống Big C Việt Nam của Tập đoàn Casino đã được Central Group và Nguyễn Kim Group nhận chuyển nhượng.
Theo Central Group Việt Nam, từ tháng 1/2015, Central Group đã hợp tác chiến lược với Nguyễn Kim Group thông qua việc Central Group đầu tư 49% vào CTCP Thương mại Nguyễn Kim, công ty kinh doanh bán lẻ điện tử tiêu dùng tại Việt Nam. Trước đó, hồi đầu năm BJC đã hoàn tất việc mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro (khoảng 880 triệu USD)…
Bán lẻ Việt Nam trước nguy cơ bị thâu tóm |
Làn sóng các giao dịch M&A trong ngành bán lẻ không chỉ dậy lên vào đầu năm 2016 mà đã tăng trưởng một cách đáng kể trong những năm gần đây như một kênh đầu tư hấp dẫn ở trong và ngoài nước. Nếu năm 2005 chỉ có 18 vụ M&A với tổng giá trị là 61 triệu USD, năm 2006 có 32 vụ với tổng giá trị là 245 triệu USD thì đến năm 2011, số lượng giao dịch đã tăng trưởng với mức ấn tượng 135,2%, tổng giá trị các giao dịch đạt 4,7 tỷ USD và năm 2012 là năm đạt giá trị đỉnh điểm với 5 tỷ USD. Năm 2015, có 525 thương vụ, với giá trị trên 4,3 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2014.
Những con số này đã đưa Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới và theo A.T.Kearney (Mỹ) đây là lý do giải thích cho câu hỏi tại sao các thương vụ M&A trong lĩnh vực này luôn sôi động. Theo số liệu thống kê Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết (IMAA) năm 2014 và 2015, ngành bán lẻ dẫn đầu với tỷ trọng chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam.
“Nhìn lại bức tranh M&A của Việt Nam trong lĩnh vực phân phối bán lẻ từ năm 2013 đến đầu năm 2016, có thể thấy, mặc dù tăng trưởng đột biến trong năm 2015, các số liệu từ IMAA cũng cho thấy M&A Việt Nam mới chỉ tăng về “lượng”, chứ chưa tăng về “chất”, có nghĩa là các thương vụ M&A trong năm 2015 vẫn chủ yếu là mua bán sáp nhập quy mô nhỏ. Sự nhỏ bé của DN Việt còn rõ hơn nếu so sánh với số liệu các quốc gia trong khu vực.
Năm 2015, Singapore có 700 thương vụ M&A, giá trị gần 100 tỷ USD, trung bình 141 triệu USD/thương vụ, lớn gấp 17 lần so với Việt Nam; các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều lớn gấp hơn 3 lần”, bà Linh nói.
Chính sách và nội lực
Nhìn ở khía cạnh tích cực, M&A giúp các hành vi tương tác giữa các DN bán lẻ trong nước, giữa các DN phân phối nước ngoài với các DN phân phối bán lẻ trong nước sẽ càng trở nên hiện hữu. Các thương vụ M&A xuất phát từ nhu cầu đa dạng của các DN, cũng có thể là sự hợp tác cùng lớn mạnh, nhưng cũng có thể là sự thâu tóm, giành giật thị phần và chiếm lĩnh thị trường của các DN.
Đối với các DN trong nước, do nhu cầu về vốn rất lớn cũng như kỳ vọng tăng cường năng lực phân phối, các DN này sẵn sàng mở ra, mời đối tác có cùng ngành nghề, cùng chuyên môn, cùng định hướng để tiếp tục đầu tư, phát triển một cách nhanh và bền vững hơn, tiếp cận công nghệ từ nước ngoài để hai bên cùng có lợi. Đó là một hướng đi có lợi cho các DN trong nước trong các thương vụ M&A, tuy nhiên cũng tồn tại những mặt tiêu cực của nó.
Với các DN bán lẻ nước ngoài, ý đồ của họ khá rõ ràng khi họ có sức mạnh về vốn và công nghệ quản lý. Đó chính là từng bước thâm nhập thị trường mới, nhiều tiềm năng, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, đặc biệt thúc đẩy xuất khẩu thông qua mạng lưới bán lẻ của mình vào thị trường mới.
Đây cũng chính là chiến lược quốc gia của họ nhằm phát triển xuất khẩu, trong đó chính phủ trực tiếp điều hành các hoạt động theo các khâu của chuỗi cung ứng, hỗ trợ các DN từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ và điều phối lợi nhuận...
Trong định hướng tạo ra và khai thác các thị trường mới, M&A là con đường ngắn và nhanh nhất để sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ đang hoạt động và số lượng khách hàng hiện có. Như vậy, DN nội mất dần thị phần bán lẻ hoặc sẽ có xu hướng sáp nhập để tăng năng lực cạnh tranh.
Chính vì vậy để thúc đẩy những tác động tích cực mà M&A trên thị trường bán lẻ nội địa, Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống các luật, văn bản quy phạm pháp luật về M&A, các văn bản hướng dẫn về M&A.
Về phía các DN bán lẻ cần khẩn trương nâng cao chất lượng cung ứng, hạ giá bán hàng hóa, muốn vậy phải tìm cách liên kết với các nhà sản xuất, chế biến, hoặc cũng có thể đầu tư sản xuất sản phẩm, hàng hóa cho hệ thống cung ứng của mình, mặt khác liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng và sau bán hàng. Nhanh chóng tạo lập và phát triển hệ thống chuỗi, chân rết ở các địa phương, tìm kiếm vị trí kinh doanh thuận lợi và đầu tư bài bản...