Mang vốn chính sách đến với bản làng
Lai Châu là tỉnh nghèo so với 12 tỉnh miền núi của khu vực Tây Bắc, kinh tế chậm phát triển, diện tích đất tự nhiên rộng hơn 906 nghìn ha, nhưng đất sản xuất nông nghiệp lại quá ít, chỉ có 40 nghìn ha bởi địa hình núi cao, giao thông cách trở. Toàn tỉnh có 8 huyện, thành phố thì có đến 6 huyện nghèo nhất nước và 78/108 xã, phường, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Vùng cao biên giới này còn là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm xấp xỉ 90% với mức sống thấp, thiếu thốn nhiều về vốn liếng, kiến thức sản xuất hàng hóa.
Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nậm Cầy họp bình xét cho hộ nghèo vay vốn |
Thực hiện chủ trương giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Lai Châu đã bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy mạnh đầu tư tín dụng ưu đãi, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt vùng sâu, vùng xa, cải thiện đời sống cho đông đảo hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu, Lê Xuân Hùng cho biết tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng hiện nay đạt 1.334 tỷ đồng; trong đó cho vay hộ nghèo 604 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 341 tỷ đồng, hộ cận nghèo 148 tỷ đồng,...
Ở vùng cao biên giới Lai Châu công tác cho vay vốn ưu đãi tuy có nhiều khó khăn như địa bàn núi cao, đèo sâu, nhiều xã xa cách trung tâm huyện hàng trăm km, đường sá lại sạt lở, ngập lụt vào mùa mưa... nhưng những cán bộ tín dụng chính sách đã không quản ngại khó khăn chuyển tải đồng vốn qua 108 Điểm giao dịch tại xã, thị trấn để trao tận tay hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS đúng hẹn, đúng kỳ.
Công sức của người cán bộ ngân hàng vùng cao bỏ ra đã không uổng phí, góp phần giúp cho hàng nghìn hộ đồng bào DTTS trên toàn địa bàn thoát nghèo, tạo việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động, phát triển đàn trâu, bò thêm 11.000 con, xây dựng mới gần 1.900 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn.
Đến với Điểm giao dịch xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, cách thành phố Lai Châu hơn 200km. Chúng tôi được chứng kiến Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH huyện thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, chuẩn bị chu đáo về sổ sách, máy in, máy đếm tiền, camera giám sát,... để phiên giao dịch diễn ra thuận tiện. Các chính sách, chủ trương mới về tín dụng chính sách cũng như các khoản vay, số tiền dư nợ của khách hàng đều được thông tin, thông báo công khai để bà con cùng biết, cùng làm, cùng kiểm tra giám sát.
Ông Cà Văn Khám - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Nhờ có Điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại xã, đồng bào chúng tôi mới được tiếp cận dễ dàng với đồng vốn ưu đãi của Nhà nước. Hiện nay tổ có 57 thành viên, dư nợ 1,8 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư trồng ngô lai, chè sạch, nuôi trâu, bò sinh sản. Nhờ nguồn vốn vay, nhiều hộ thoát nghèo, xây được nhà mới, mua tivi, xe máy”.
Gia đình chị Lường Thị Lọ đã thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi |
Chị Lường Thị Lọ trước đây là hộ nghèo, khó của bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, nhưng từ khi sử dụng vốn chính sách nuôi cặp trâu sinh sản và 20 con dê. Dần qua năm tháng, do chăm sóc chu đáo, trâu mẹ đẻ ra trâu con, đàn dê nhanh phát triển giúp gia đình chị đỡ khốn khó, có thu nhập. Giữa năm 2014, chị thoát nghèo trả hết nợ cho ngân hàng, Vừa qua gia đình chị lại được vay tiếp vốn chính sách của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo. Nhận được 50 triệu đồng vốn ưu đãi chị Lọ phấn khởi cho biết kế hoạch sẽ mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng thêm lúa thơm, ngô lai từ nguồn vốn vay chính sách để nhanh chóng thoát nghèo bền vững.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà đất truyền thống của dân tộc Mông, anh Sùng Khua Hồ ở bản Xà Dề Phìn, xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ chia sẻ: Năm 2010, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, anh mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng của NHCSXH đầu tư mua 20 con dê về chăn thả. Anh xây dựng chuồng trại, phát quang dọn dẹp những hang đá nông gần nơi chăn thả để dê có thể ở vào những ngày trời mưa gió. Ngoài nuôi dê, anh còn chăn nuôi lợn, trâu, bò.
Hiện nay, gia đình anh có gần 100 con dê, trên 10 con lợn, 8 con trâu, 4 con bò. Mỗi năm gia đình xuất 2 đợt dê và lợn, trâu... thu nhập bình quân gần 80 triệu đồng/năm. Nhờ số tiền đó, anh nuôi được bố mẹ già, 2 con học đại học và trở thành hộ khá giả trong xã. “Với số tiền thu được, gia đình mình đã tích góp và giờ chuẩn bị làm nhà mới cho khang trang và tiện nghi hơn”, anh Hồ nở nụ cười hạnh phúc và chia sẻ với chúng tôi.
Để hoạt động tín dụng chính sách trên vùng cao biên giới phát triển ổn định, vững chắc, NHCSXH tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch tại xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách nhằm tạo thuận lợi giúp đồng bào dân tộc vươn lên thoát nghèo, dựng xây cuộc sống ấm no hạnh phúc.