Mạnh tay hơn với rào cản đầu tư
Nên bãi bỏ 1/2 điều kiện kinh doanh hiện nay | |
Tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ | |
Điều kiện kinh doanh: Chỉ còn cách xóa bỏ hết và làm lại |
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện qua một lần sửa đổi vào năm 2016 đã điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc cắt giảm chưa đủ mạnh tay như kỳ vọng của thị trường, mà theo phản ánh của các DN, NĐT, có nhiều ngành nghề không đáng phải đưa vào vòng kiểm soát chặt chẽ như yêu cầu của cơ quan quản lý.
Nhiều rào cản cần loại bỏ
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng không thể khẳng định danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện hiện tại đã hoàn hảo. Qua rà soát danh mục này, mới đây VCCI đã dẫn ra nhiều lý do mà theo đó, nhiều ngành nghề không cần thiết phải chịu sự quản lý của điều kiện kinh doanh.
Trình bày các phát hiện chính của cuộc rà soát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, nhiều ngành nghề là những ngành kinh doanh thông thường, các rủi ro có thể được giải quyết bằng pháp luật dân sự, không có tác động đáng kể đến lợi ích công cộng hay ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, trật tự xã hội... song vẫn được xếp vào ngành kinh doanh có điều kiện. Ví dụ, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển, vận hành dịch vụ nhà chung cư…
Nhiều ngành nghề không cần quản lý bằng điều kiện kinh doanh |
Một số ngành như xuất khẩu gạo, theo VCCI là cần có sự quản lý của Nhà nước, nhưng điều kiện đầu tư, kinh doanh không phải là công cụ quản lý tốt nhất mà có thể thay bằng biện pháp khác như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra… Một số ngành như kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng đông lạnh không rõ ảnh hưởng đến lợi ích công cộng như thế nào so với các ngành khác, đến mức phải áp dụng điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, một số ngành nằm trong danh mục nhưng không phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh. Ví dụ hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại không vì mục đích lợi nhuận, vì vậy không phải là kinh doanh.
Trong khi nhiều ngành nghề đầu tư, kinh doanh còn tồn tại một cách bất hợp lý trong danh mục, thì theo phản ánh của các chuyên gia, một số cơ quan lại đang phát sinh thêm nhu cầu quản lý ngành mà không rõ lý do và động cơ phía sau. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico dẫn chứng: “Mới đây nhất, Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu hạn chế hoạt động đi chung xe của Grab, Uber là trái luật. Bởi đây là mô hình kinh doanh khác, anh chưa có thì cấm, như vậy là cấm vô căn cứ”, ông Đức nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đức, còn ít nhất 4 nhóm quy định về thực chất chính là điều kiện kinh doanh nhưng lại chưa được “sờ” đến. Vì vậy số lượng điều kiện kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều. Đó là yêu cầu về quy hoạch, yêu cầu về quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu về thủ tục hành chính. Trong mấy năm gần đây, điều kiện kinh doanh đã được quan tâm giải quyết theo hướng đơn giản hóa và thông thoáng, nhưng các vấn đề quy hoạch, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng thì còn ít được quan tâm và đến nay vẫn là rào cản gia nhập thị trường.
Để cải cách phải áp đặt lên số đông
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương đặt ra một lo ngại khác là số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã nhiều, song số thủ tục đằng sau mà DN cần thực hiện để tham gia vào các hoạt động kinh doanh này còn nhiều và kém minh bạch hơn gấp nhiều lần. Ông Hiền cho biết, đi cùng với 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hơn 3.400 giấp phép kinh doanh (nhiều gấp 14 lần), và chắc chắn con số thực tế sẽ còn lớn hơn nữa. Câu hỏi đằng sau là, để kinh doanh trong từng ngành nghề, DN phải đáp ứng bao nhiêu điều kiện cho mỗi hoạt động đó?
Vì vậy, bên cạnh rà soát lại ngành nghề, việc cần làm ngay là thống kê với ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được công bố thì trong 2 năm vừa qua việc công khai, minh bạch điều kiện kinh doanh thông qua các website đã được thực hiện như thế nào? Bởi DN kêu ca nhiều về điều kiện kinh doanh bất hợp lý đã đành, nhưng họ còn khổ sở hơn vì không nắm được hết từng điều kiện kinh doanh để tuân thủ. Qua phản ánh từ các cơ quan đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh nằm lẻ tẻ ở mỗi chỗ, mỗi ngành một ít, không có sự lắp ghép với nhau, đã làm khổ DN rất nhiều, qua đó đẩy chi phí tuân thủ pháp luật lên rất cao.
Luật sư Trương Thanh Đức lo ngại, nếu không có biện pháp mạnh mẽ hơn mà cứ cải cách nửa vời và thiếu đồng bộ như hiện nay, thì điều kiện kinh doanh sẽ còn nảy nở vô tội vạ. Ông Đức cho rằng, cứ 10 điều kiện kinh doanh được giảm thì lại có 7 điều kiện kinh doanh khác tăng lên. “Cần phải dẹp thẳng tay 1/3 số điều kiện kinh doanh này đi bởi nếu không vẫn chỉ là cải cách thiếu đồng bộ, giảm một ít thì lại tăng một ít, thậm chí một số “đẻ” ra còn gây khó khăn, mệt mỏi nhiều hơn”, ông nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng khuyến nghị, đã cải cách thì phải có sự áp đặt lên số đông. Theo ông Hiếu, cách làm hiện nay là trông chờ vào sự tự giác của chính các cơ quan tự tạo ra rào cản, mà “trong thực tế tôi chưa thấy quốc gia nào thành công với cách này”, ông Hiếu nói. Theo đó, các quốc gia thành công đều dùng biện pháp “chặt chém” các quy định bằng một cơ quan ở tầm rất cao thuộc Chính phủ. Cơ quan này được giao nhiệm vụ trong ngắn hạn chỉ tập trung vào việc cắt xén các quy định trái luật. Hoặc một số mô hình ở Anh, Úc, có cơ quan độc lập trực tiếp rà soát, tham mưu, kiến nghị dỡ bỏ các quy định trái luật. “Cho nên nếu tiếp tục thực hiện theo cách giao cho các cơ quan tự giác thực hiện, sau đó đôn đốc, thúc giục không được, cuối cùng lại quay ra nài nỉ… thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề”, ông Hiếu quả quyết.