Mặt hàng rau quả: Nhập khẩu tăng mạnh - mừng ít lo nhiều
Xuất khẩu rau quả còn nhiều tiềm năng | |
Đừng dễ làm, khó bỏ | |
Xuất khẩu rau quả “tăng tốc” |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng rau quả nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng vọt trong 8 tháng đầu năm 2017 với tổng giá trị tới 1,06 tỷ USD gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Rau quả cũng là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các nhóm hàng nhập khẩu. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng cho thấy, giá trị nhập khẩu rau quả trong 7 tháng đã tăng gần 4 lần so với cách đó 3 tháng (tháng 4/2017).
Hiện hoa quả nhập khẩu nhiều nhất là từ Thái Lan. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ quốc gia này là 516,8 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của cả nước.
Việc nhập khẩu rau quả bật tăng mạnh mẽ sẽ làm nguồn cung mặt hàng này trên thị trường nội địa cũng tăng đột biến và rõ ràng là gây ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất cũng như tiêu thụ rau, hoa quả trong nước. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là điều mà chúng ta phải chấp nhận khi mở cửa hội nhập.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương giải thích, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và mặt hàng rau quả được đưa vào diện giảm thuế rất nhiều. Tính đến thời điểm này, mặt hàng rau quả đã giảm thuế về mức thấp nhất, tạo điều kiện cho các DN nhập khẩu dễ dàng đưa hàng vào Việt Nam. Ông Hải nhấn mạnh, hội nhập giúp sản phẩm của Việt Nam có cơ hội tiến ra thị trường quốc tế, song ở chiều ngược lại, chúng ta cũng phải chấp nhận mở cửa để hàng hoá các nước tràn vào. Mặt khác, “tôi nghĩ các con số vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát”, ông Hải đánh giá về tình hình nhập khẩu mặt hàng rau quả hiện nay.
Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, tăng trưởng nhập khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm là hiện tượng bình thường. Và ở chiều ngược lại, rau quả là ngành mà Việt Nam có lợi thế, vì vậy 3-4 năm trở lại đây, tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này rất nhanh. Cụ thể là năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 900 triệu USD thì tới năm 2016 đã vượt 2 tỷ USD và năm nay, hết tháng 8 đã đạt tới 2,3 tỷ USD. Dự báo, với các lợi thế về quả nhiệt đới của Việt Nam thì kim ngạch sẽ vươn tới trên 3 tỷ USD trong năm 2017.
Bên cạnh đó ông Định cũng đánh giá, việc tăng trưởng mạnh mẽ ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu đã tạo ra áp lực cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm… Và như vậy, người sản xuất Việt Nam phải thay đổi tư duy, không thể làm theo lối mòn, không chú ý tới nhu cầu thị trường. Để nông sản Việt vươn lên đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu, người sản xuất phải chú trọng hơn tới việc ứng dụng công nghệ, quy trình canh tác, lựa chọn mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc…
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn khuyến nghị, cần xây dựng một quy trình từ sản xuất đến bao tiêu một cách quy chuẩn để đảm bảo nông sản Việt Nam là tuyệt đối an toàn khi đến tay người tiêu dùng.
Với ngành nông nghiệp hiện đã có chương trình thực hiện đề án tái cấu trúc toàn ngành. Riêng trồng trọt, sản xuất rau, hoa quả được coi là thế mạnh lớn của Việt Nam, có thể xác định đây là mũi nhọn của tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Theo các chuyên gia, vấn đề chính là khâu tổ chức sản xuất, tạo và chọn giống phù hợp thị trường.