Xuất khẩu rau quả còn nhiều tiềm năng
Đừng dễ làm, khó bỏ | |
Xuất khẩu rau quả còn nhiều cơ hội |
Vào năm ngoái, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ USD với tăng trưởng 33,6% so với năm trước đó. Điều này cho thấy rau quả Việt Nam đang được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Hiện nhóm hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu đến trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó thị trường lớn nhất là Trung Quốc; tiếp đến là các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia...
Thanh long đã xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính |
Bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống, gần đây do đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong tuyển chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế… thì rau quả Việt đã bắt đầu thâm nhập được vào các thị trường khó tính. Chẳng hạn chỉ tính riêng trong năm 2016, các đơn vị trực thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kiểm dịch các loại hoa quả tươi xuất khẩu đi các thị trường khó tính đạt trên 10.500 tấn, tăng gần 2 lần so với năm 2015.
Trái thanh long của Việt Nam xuất đi thị trường Mỹ vào năm ngoái đã tăng 2 lần so với năm trước đó, nhãn tăng 5,25 lần; xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 2 lần; Đài Loan đã chính thức mở cửa trở lại cho thanh long Việt Nam và đến nay đã xuất khẩu hơn 100 tấn... Năm 2017, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để vú sữa, xoài xuất khẩu sang Mỹ; thanh long ruột đỏ sang Nhật Bản; và vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm sang Hàn Quốc…
Khẳng định rau quả Việt có tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng các chuyên gia cho rằng nhóm hàng này của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, hàng rào kỹ thuật và nhiều tiêu chuẩn cao từ các nước nhập khẩu là trở ngại lớn đối với các DN xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đồng tình rằng, hiện nay bài toán về chất lượng các mặt hàng rau quả cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn. Vì vậy, cơ quan này khuyến nghị trước hết các DN Việt cần đảm bảo tuyệt đối chất lượng các lô hàng xuất khẩu.
Theo đó, từ khâu sản xuất đến đóng gói đều phải đảm bảo an toàn, không sử dụng các chất bảo quản. Đồng thời, ngoài xuất khẩu các loại rau quả tươi thì các DN cũng cần đầu tư sâu thêm vào khâu chế biến sâu để đa dạng sản phẩm rau quả xuất khẩu. Bởi trên thực tế các sản phẩm chế biến để xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn đơn điệu và chưa tạo ra được giá trị lớn và điều này cần được thay đổi.
Để hỗ trợ hơn nữa ngành xuất khẩu rau quả, hiệp hội cũng như các cơ quan chức năng thời gian qua và sắp tới vẫn sẽ đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa cho nông dân, hợp tác xã, các DN. Cục Bảo vệ thực vật cho biết trong thời gian tới, cục sẽ tích cực đàm phán để đối tác gỡ bỏ rào cản kỹ thuật hoặc hạ thấp các tiêu chuẩn, nhằm giúp trái cây Việt xâm nhập những thị trường khó tính.
Song song với đó, hiệp hội, cơ quan chức năng và các DN cũng lên kế hoạch triển khai mạnh công tác quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hàng hóa nông sản xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng. Đồng thời sẽ thường xuyên cùng các DN tổ chức và tham gia vào các hội chợ nông sản thực phẩm lớn trên thế giới để các DN có thể gặp gỡ, tìm kiếm nhiều đối tác phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu, đồng thời nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mặt hàng rau quả Việt Nam trên trường quốc tế.