Đừng dễ làm, khó bỏ
Xuất khẩu rau quả “tăng tốc” | |
Nông nghiệp Việt từ góc nhìn khác | |
Xuất khẩu rau quả: Đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ tốt nữa |
Mấy ngày qua, các báo loan tin tấn xoài Việt đầu tiên đã chính thức “cập cảng” nước Úc, đánh dấu một lộ trình mới cho sản vật miền nhiệt đới này của nước ta được xuất khẩu đến “xứ Kangaroo”. Thông tin từ cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng cho biết, trong dịp này trái xoài Việt còn được đem ra giới thiệu tại Hội chợ quốc tế hàng thực phẩm Úc, như một hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương sản phẩm.
Chắc chắn đó là một tin vui cho ngành rau quả Việt Nam, hiện đã gia nhập nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ USD mỗi năm. Cho dù rau quả Việt vào Úc hiện chỉ chiếm hơn 1% tổng giá trị kim ngạch nhóm hàng này đi nữa, thì việc trái xoài mở được một trong những cánh cửa kiểm dịch thực vật chặt chẽ nhất thế giới như trên là bằng chứng cho thấy cơ hội phát triển còn nhiều.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả từ Việt Nam sang Úc đạt xấp xỉ 13,9 triệu USD, tăng trưởng khoảng 19,6%.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, thị trường hoa quả Úc đang được Việt Nam “khai phá” mạnh mẽ. Vào năm ngoái, trái vải đã lần đầu tiên chính thức đến được với các chợ, siêu thị tại đây. Còn theo trang tin điện tử của Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Úc cũng vừa mới hoàn thành báo cáo dự thảo đánh giá về quả thanh long tươi của Việt Nam. Bản báo cáo này có đề xuất cấp giấy phép nhập khẩu quả thanh long tươi từ tất cả các vùng trồng của Việt Nam vào thị trường Úc…
Tuy nhiên, cơ hội mới từ thị trường Úc, hay mức tăng trưởng kim ngạch nêu trên chưa thực sự là ấn tượng. Cũng theo số liệu 8 tháng đầu năm nay thì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của rau quả Việt Nam đạt tới gần 28%. Đóng góp chính trong thành tích này là thị trường Trung Quốc, với kim ngạch đạt gần 1,1 tỷ USD và tăng trưởng tới 38,7% so với cùng kỳ. Thực tế là một số thị trường “chặt chẽ” về kiểm dịch lại có sự sụt giảm hoặc tăng chậm về lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thị trường Trung Quốc với rau quả Việt Nam. Tiêu thụ tới khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta, Trung Quốc vẫn được cho là thị trường “dễ tính”. Các hoạt động giao thương sản vật giữa hai nước có thể thông qua thương mại biên giới, với thời gian vận chuyển được rút ngắn hơn nhiều so với các thị trường khác, chi phí cũng không lớn; thủ tục kiểm dịch thông thoáng…
Thậm chí nhiều đơn vị xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn không có hợp đồng trước với nhà thu mua nước bạn, vẫn đem thẳng hàng hóa đến cửa khẩu để đàm phán trực tiếp rồi xuất hàng.
Tuy nhiên, phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, rau quả Việt Nam đã nhiều lần thua thiệt. Những xe dưa hấu xếp hàng dài chịu nắng chờ xuất khẩu rồi phải đổ bỏ, thối hỏng; những hàng xe thồ vải tắc nghẽn chờ “bị ép giá” ở cửa khẩu; những trái thanh long phải đổ cho bò ăn vì không xuất được… đó là những hình ảnh vẫn thấy vào mỗi mùa vụ hoa quả. Vì sao người ta dễ dàng chịu ép giá, rủi ro thua thiệt như vậy? Câu trả lời là các điều kiện về an toàn được kiểm soát khác nhau giữa các thị trường nhập khẩu.
Phải mất 12 năm quả vải Việt mới chính thức được cấp phép sang Úc, để đưa được trái xoài Việt đến thị trường này hai bên đã phải mất đến 9 năm đàm phán… Các thị trường khó tính như Úc, Mỹ… thì điều kiện tiên quyết là hoa quả nhập khẩu đầu tiên phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn sinh học.
Trong khi đó, người nông dân Việt Nam không thể tự mình hoàn tất các giấy tờ, thủ tục để đảm bảo đủ các điều kiện trên, ngay cả các DN cũng còn “chật vật”. Nhưng, đừng thấy khó mà bỏ cuộc. Nếu muốn không quá phụ thuộc vào một thị trường, phân tán rủi ro và đặc biệt là để xuất khẩu rau quả “được giá” hơn, không thể không chú ý phát triển các thị trường mới, những thị trường khó tính.
Để kiểm soát chất lượng từ nông trại đến bàn ăn, chuỗi liên kết cần được xây dựng. Để duy trì uy tín rau quả Việt, người nông dân và DN nhập khẩu phải xác tín về chất lượng hàng hóa mà mình cung cấp. Những chặng đường đàm phán đằng đẵng của các cơ quan Nhà nước để mở cánh cửa cho hàng Việt ra thế giới sẽ rất cần đến sự chung tay của các nhà sản xuất và xuất khẩu, nếu không muốn từng trái xoài, dưa hấu… tiếp tục chịu ép giá, bị đổ bỏ.