Mấu chốt cải cách môi trường kinh doanh: Thực thi nghiêm chính sách
Môi trường kinh doanh: Doanh nghiệp kỳ vọng cải cách hơn nữa | |
NHNN thực hiện nhiệm vụ cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp | |
“Bôi trơn” để không “cô đơn”?! |
Qua 5 lần ban hành Nghị quyết 19 và hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 35 – hai quyết sách đi kèm với hàng loạt mục tiêu và nhóm giải pháp quan trọng, MTKD thực sự đã có những chuyển biến rõ nét. Dù nhiều kết quả quan trọng đã đạt được nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng chính trong thực tế triển khai các hoạt động cải thiện MTKD cho thấy, mức độ thực hiện giữa các bộ, ngành và địa phương chưa đồng đều. “Nhiều bộ, ngành rất tiên phong, quyết liệt trong cắt giảm và đơn giản hoá điều kiện kinh doanh và cải cách kiểm tra chuyên ngành nhưng một số bộ, ngành ít chuyển biến, còn thực hiện đối phó”, Chủ tịch VCCI chỉ ra.
Phải cải cách MTKD quyết liệt và thực chất hơn, tiến tới sau năm 2020 không cần đến một Nghị quyết 19 như hiện nay nữa |
Đơn cử, mặc dù Nghị quyết 35 và Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về vấn đề hoạt động thanh, kiểm tra DN và nhờ đó tỷ lệ DN phải chịu hai lần thanh tra kiểm tra đã giảm đến gần 10% trong thời gian qua nhưng theo PCI năm 2017, tỷ lệ DN bị thanh, kiểm tra 2 lần trở lên/năm vẫn lên đến gần 40%, trong đó có 13% DN cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. Tình trạng các cơ quan chức năng đi thanh, kiểm tra riêng, khiến DN mất nhiều thời gian cũng vẫn xảy ra và hầu hết các DN được hỏi cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra liên ngành.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, điều mà các DN kỳ vọng là các kế hoạch thanh tra kiểm tra phải được công khai rõ ràng và việc thanh tra kiểm tra DN phải dựa trên các tiêu chí rủi ro. Tức là các cơ quan quản lý nhà nước không phải dựa trên “ý thích” của cán bộ thi hành mà phải có những phần mềm, những chương trình thông tin để làm sao lựa chọn đúng và chỉ tập trung thanh tra các DN, ngành hàng hay những địa bàn nào có rủi ro vi phạm pháp luật cao. Đồng thời, phải quyết liệt giảm hơn nữa sự trùng lắp trong hoạt động thanh tra kiểm tra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Thực tế chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh, kiểm tra hay sự thiếu đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương trong cải thiện MTKD còn cho thấy một vấn đề lớn và đáng lưu ý hơn. Đó là nếu muốn MTKD chung có sự cải thiện thì bên cạnh nỗ lực riêng của từng bộ, ngành, rất cần có sự cải thiện trong phối hợp và “cùng tiến” giữa các bộ, ngành. Một ví dụ là các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy. Mặc dù hiện nay Bộ Xây dựng và cơ quan phòng cháy chữa cháy đã có sự liên thông nhưng mới dừng lại ở trao đổi thông tin chứ chưa có thống nhất về dữ liệu hay cách thức xử lý chung trên một bộ hồ sơ.
“Qua khảo sát các DN của chúng tôi thì thấy có tình trạng là thủ tục hành chính (TTHC) trong từng ngành (đơn ngành) hay trong từng lĩnh vực có thể thuận lợi nhưng trong phối hợp giữa các ngành thì còn rất nhiều vấn đề. Chính vì vậy, một trong những khuyến nghị của chúng tôi là cần phải tập trung cải thiện nhóm TTHC liên thông liên quan đến nhiều bộ, ngành”, ông Tuấn cho biết tại hội thảo công bố Báo cáo điều tra “Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách MTKD và phát triển DN - Góc nhìn từ DN” gần đây.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong khi các chính sách, giải pháp đề ra để cải thiện MTKD đã hoàn toàn đúng và trúng thì việc “rút ngắn” khoảng cách giữa chính sách và thực thi; giữa văn bản và đời sống chính là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước. Như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Nghị quyết 35 được đánh giá rất cao ở chỗ đã đưa ra được 10 nguyên tắc để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế. “Chúng ta cần có đánh giá về việc thực hiện 10 nguyên tắc cơ bản này đến đâu, đồng thời phải tiếp tục theo đuổi và thực hiện bằng được các nguyên tắc đó thì mới có thể thay đổi một cách căn bản, căn cơ trong cải thiện MTKD”, chuyên gia này nhận định và kỳ vọng, hai năm 2019 và 2020 tới là giai đoạn phải hành động cải cách MTKD quyết liệt và thực chất hơn để làm sao tiến tới có thể sau năm 2020 sẽ không cần đến một Nghị quyết 19 như hiện nay nữa.
Hành động thực chất không chỉ cần được thể hiện ở sự quyết liệt trong triển khai thực hiện mà còn cần phải bám sát những tín hiệu từ chuyển động và nhu cầu của thực tiễn. Thước đo và hiệu quả của cải cách thể hiện ở chính mức độ hài lòng của DN, người dân. Thực tế trong thời gian vừa qua, một số bộ, ngành và địa phương khi cung cấp TTHC đã chủ động lấy ý kiến DN, người dân để điều chỉnh quy trình của mình cho phù hợp và được đánh giá cao. Điều đó cần được nhân rộng, tránh tình trạng ở một số nơi, cơ quan quản lý nhà nước cho rằng khi ban hành ra một văn bản hay đưa ra một chương trình hành động là xong nhiệm vụ, không cần biết văn bản hay chương trình đó sẽ được thực hiện trong thực tế như thế nào và liệu có mang lại hiệu quả thực sự không.
Nếu nỗ lực để đưa MTKD của Việt Nam vào tốp đầu khu vực ASEAN đã khó thì việc vươn lên trong cạnh tranh ở những sân chơi lớn và chất lượng cao như CPTPP hay EVFTA lại càng khó khăn hơn. Nhưng một lần nữa, điều đó càng cho thấy chúng ta chưa được phép thỏa mãn với những gì đã đạt được mà phải đặt lên bàn tính tất cả mọi vấn đề, đặc biệt là nhìn thẳng không tránh né xem mình còn yếu kém ở đâu và cùng với đó là hành động quyết liệt để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra. Nếu dừng lại và hài lòng với mình, ấy là lúc mà Việt Nam sẽ không thể vượt lên được.