Minh bạch hoá thông tin tín dụng
Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay, được cụ thể hoá bằng kế hoạch hành động ban hành cùng với Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Thực hiện kế hoạch hành động ban hành cùng với Quyết định số 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 của NHNN, nhằm duy trì chỉ số tiếp cận tín dụng và minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế được tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường, trong thời gian qua, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã nỗ lực tìm kiếm và triển khai nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao tính minh bạch hoá của thông tin tín dụng.
Có thể kể đến như hoàn thiện và nâng cấp hệ thống trang thiết bị, công nghệ thông tin hiện đại trong khuôn khổ dự án FSMIMS, tìm kiếm giải pháp mở rộng nguồn thông tin đầu vào đặc biệt là thông tin ngoài ngành từ các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích, xây dựng cổng thông tin kết nối khách hàng vay, triển khai cung cấp thông tin tín dụng miễn phí cho khách hàng vay…
Nhân dịp chào Xuân Đinh Dậu 2017 và để làm rõ hơn về minh bạch thông tin tín dụng trong hệ thống ngân hàng, Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC về vấn đề này.
Ông Đỗ Hoàng Phong |
Ông có thể chia sẻ những nỗ lực của CIC trong việc đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin tín dụng?
Nhằm minh bạch hóa thông tin tín dụng, trong năm 2016 CIC đã tập trung triển khai thực hiện các nhóm giải pháp chính sau:
- Mở rộng cổng kết nối thông tin khách hàng vay;
- Hoàn thiện và nâng cấp mô hình chấm điểm khách hàng vay thể nhân và mô hình xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế;
- Mở rộng cơ sở dữ liệu bằng các thông tin ngoài ngành trong đó có thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích.
Như chúng ta đã biết, từ tháng 9/2015, CIC đã hoàn thành cổng thông tin kết nối khách hàng vay cá nhân, thực hiện triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Thông qua cổng thông tin này, khách hàng vay có thể đăng ký thông tin về bản thân, góp phần nâng cao tính chính xác và minh bạch hóa của thông tin tín dụng, kết nối khách hàng vay với ngân hàng, thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho các khách hàng vay, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Từ khi bắt đầu triển khai đến nay, đã có hàng ngàn khách hàng đăng ký và khai thác thông tin, điểm tín dụng bản thân.
Bên cạnh đó, CIC đã hoàn thành module kết nối với khách hàng vay là DN và theo kế hoạch trong năm 2017, CIC sẽ triển khai nhân rộng cổng thông tin kết nối với tất cả các khách hàng vay tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước dưới hình thức online.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, trong công tác truyền thông năm 2016, CIC đã triển khai những hoạt động gì để đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin tín dụng?
Mục tiêu của công tác truyền thông góp phần đẩy mạnh minh bạch hóa thông tin tín dụng, đó là nâng cao hiểu biết của người dân, của xã hội về hoạt động thông tin tín dụng; đặc biệt là các khách hàng vay cá nhân, các TCTD nhỏ như các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các tổ chức tài chính vi mô là những đối tượng trước đây chưa thực sự chú trọng sử dụng báo cáo thông tin tín dụng trong việc đánh giá rủi ro khách hàng vay.
CIC đã tích cực phối hợp với nhiều đơn vị báo chí, truyền hình khác nhau thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị và talkshow truyền hình để tuyên truyền phổ biến về hoạt động thông tin tín dụng, theo đó các đơn vị tham gia hệ thống thông tin tín dụng cần khai thác triệt để nguồn báo cáo thông tin tín dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro tín dụng; khách hàng vay cần phải hiểu về quyền được khai thác thông tin tín dụng, điểm tín dụng liên quan của bản thân, từ đó nâng cao tỷ lệ biết và tra cứu thông tin từ CIC góp phần tăng cường tính minh bạch, chính xác của thông tin tín dụng.
Cụ thể, CIC đã chủ động tuyên truyền trên các kênh truyền hình của đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, truyền hình Hà Nội, Thời báo Ngân hàng, kênh truyền hình tài chính FNBC tổ chức talkshow về tín dụng tiêu dùng trong đó nhấn mạnh đến chấm điểm tín dụng và tiếp cận thông tin tín dụng các khách hàng vay.
Bên cạnh đó, thông qua thoả thuận hỗ trợ kỹ thuật từ phía Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), CIC đã phối hợp tổ chức chuỗi các hội nghị, tọa đàm, talkshow truyền hình để thúc đẩy hoạt động báo cáo tín dụng, phổ biến kinh nghiệm về thông tin tín dụng, sử dụng báo cáo tín dụng trong hoạt động kinh doanh cũng như bảo vệ quyền lợi của các khách hàng vay.
Thông tin CIC là nguồn tin cậy cho các DN |
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NHNN đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó một trong những mục tiêu đặt ra là cải thiện chỉ số thông tin tín dụng, góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng Việt Nam, CIC đã tổ chức triển khai những việc gì, trong quá trình triển khai CIC có gặp những vướng mắc gì không?
Thông tin ngoài ngành là chỉ số duy nhất Việt Nam còn thiếu để đạt thang điểm tối đa của Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số chiều sâu thông tin (8/8). Tương tự như tỷ lệ về độ bao phủ thông tin tín dụng (CIC 41.8%, cao so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương 14.7% và các nước thu nhập cao OECD 12.1%), chỉ số chiều sâu thông tin của Việt Nam đạt 7/8 điểm cũng cao hơn mức trung bình 4.2 và 6.5 của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và OECD.
Tuy nhiên, để đạt điểm tuyệt đối 8/8, CIC cần phải thu thập được thông tin phi truyền thông từ các DN cung cấp dịch vụ tiện ích như điện, nước, viễn thông... và tích cực tham gia xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin xuyên quốc gia.
Ngay sau khi NHNN có kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 19, CIC đã có kế hoạch chi tiết để triển khai kế hoạch hành động này. Theo đó, CIC đã nỗ lực triển khai nhiều các giải pháp khác nhau trong việc thu thập thông tin ngoài ngành. CIC đã soạn thảo công văn cấp Bộ gửi Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để đề xuất trao đổi thông tin ngoài ngành…
Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin ngoài ngành vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ như các DN cung cấp dịch vụ tiện ích chưa chú trọng quan tâm đến việc chia sẻ, trao đổi thông tin; vướng mắc trong việc cơ chế trao đổi thông tin do một số đơn vị có điều khoản bảo mật thông tin khách hàng…
Mặc dù vậy, mới đây, CIC đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Hỗ trợ Dịch vụ Thanh toán Việt Phú (một đơn vị hỗ trợ dịch vụ tài chính) để chia sẻ thông tin. Do vậy, tới đây CIC sẽ tích hợp thêm nguồn thông tin từ DN này để làm phong phú thêm cơ sở dữ liệu CIC. Đây là tín hiệu khả quan trong việc nâng cao nhận thức của các tổ chức, DN, cá nhân về hoạt động thông tin tín dụng, góp phần mở ra cơ hội thu thập thông tin phi tài chính, đặc biệt là thông tin ngoài ngành trong tương lai.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng nguồn dữ liệu ngoài ngành, CIC cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống thông tin tín dụng mới trong khuôn khổ dự án FSMIMS của NHNN. Hệ thống này cho phép CIC có thể tích hợp được nhiều nguồn dữ liệu khác nhau để nâng cao độ phủ về thông tin tín dụng, nâng cao tốc độ và tỷ lệ tự động hóa trong thu thập và xử lý dữ liệu, tạo lập và cung cấp thông tin. Đồng thời, chuẩn bị cho việc chia sẻ thông tin xuyên quốc gia, một trong những tiêu chí mới mà WB đang đặt ra để xếp hạng ở những năm tiếp theo.
Vậy CIC có kiến nghị gì để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, cụ thể là cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng?
Theo báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2017 của WB, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2016. Dư địa để cải thiện chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng của Việt Nam không nhiều (1 điểm) như đã đề cập trên đây. Tuy nhiên, với chỉ số sức mạnh pháp lý mới đạt 7/12 điểm, Việt Nam cần có nhiều cải cách nổi bật hơn nữa để cải thiện chỉ số sức mạnh pháp lý (thuộc phạm vi phụ trách của bộ, ngành khác ngoài phạm vi của NHNN) nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng.
Chỉ số sức mạnh pháp lý là chỉ số đánh giá mức độ bảo vệ quyền lợi của người cho vay và người đi vay thông qua việc xử lý tài sản bảo đảm và luật phá sản. Để chủ động nâng cao chỉ số này, theo tôi ngoài việc hoàn thiện các thể chế liên quan, có thể nghiên cứu đề xuất một đơn vị đứng ra nhận thực hiện việc đăng ký tài sản đảm bảo tiền vay cho tất cả các TCTD hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả động sản và bất động sản. Hiện nay ngoài Bộ Tư pháp đang thực hiện đăng ký tài sản là động sản thì việc đăng ký tài sản bảo đảm đang còn nằm phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau.
Đối với chỉ số chiếu sâu thông tin tín dụng, CIC tiếp tục có kiến nghị Ban Lãnh đạo NHNN đề xuất đưa vấn đề hợp tác trao đổi thông tin ngoài ngành thành mục tiêu cần ưu tiên, tập trung chỉ đạo trong năm 2017, đặc biệt thông tin từ các đơn vị dịch vụ tiện ích trực thuộc các bộ, ngành sau: Bộ Thông tin Truyền thông (cơ quan chủ quản các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Mobifone); Bộ Công Thương (cơ quan chủ quản của Tập đoàn Điện lực); Bộ Quốc phòng (cơ quan chủ quản của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel); các đơn vị dịch vụ công cộng như nước sạch, truyền hình cáp…
Việc trao đổi để đi đến một thoả thuận thống nhất về chia sẻ thông tin ngoài ngành rất khó khăn nếu chỉ thực hiện ở các đơn vị trực thuộc cấp thấp. Do đó, CIC đã đề nghị Ban Lãnh đạo NHNN đề xuất Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành liên quan nhằm nâng cao tính minh bạch, chính xác của thông tin tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh vì mục tiêu chung của quốc gia.
Trong thời gian tới, CIC dự kiến lên kế hoạch làm việc tích cực hơn nữa với các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích, tích hợp các thông tin điện thoại chính chủ vào kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân nhanh chóng xác thực thông tin khách hàng, đánh giá rủi ro các hồ sơ vay vốn tiêu dùng trả góp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng và mở rộng cơ hội tiếp cận vốn tín dụng cho đại bộ phận cư dân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!