Mở rộng nguồn vốn cho Tây Nam bộ
ĐBSCL: Gần 28.500 tỷ đồng cam kết cho vay 73 dự án | |
Khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2016 | |
Tín dụng ngân hàng: Đồng hành và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL |
Tín dụng thúc đẩy kinh tế vùng
Tại Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL” do NHNN Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, chiều 12/7, tại TP. Vị Thanh (Hậu Giang), nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, mặc dù nguồn tín dụng từ hệ thống NH đã có sự đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, tuy nhiên, để tạo ra một lực đẩy vốn lớn hơn cho toàn vùng phát triển trong điều kiện vừa hội nhập với thế giới vừa phải ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu thì một mình sự chủ động của hệ thống NH là không đủ, mà cần có sự kết hợp của chính sách tài khóa, đóng góp từ ngân sách và nhiều nguồn tài chính đầu tư khác. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải chủ động trong việc liên kết sản xuất, tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Cho vay nông nghiệp, nông thôn tại ĐBSCL tính đến thời điểm cuối tháng 6/2016 đạt 190 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 22% tổng dư nợ cho vay |
Nhìn nhận về tình hình tín dụng tại khu vực ĐBSCL, ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, trong suốt giai đoạn 5-7 năm trở lại đây, nguồn vốn tín dụng từ các NHTM đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Theo đó, tính đến thời điểm cuối tháng 6/2016 tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn 13 tỉnh, thành ĐBSCL đạt gần 398.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với cuối năm 2015, chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Nguồn vốn tín dụng từ các NH đã góp phần quan trọng giúp cho tăng trưởng kinh tế của toàn vùng ĐBSCL đạt mức 7,8% vào năm 2015 và tạo tiền đề để các địa phương phấn đấu đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 8,6% trong giai đoạn 2016-2020.
Ghi nhận thực tế cho thấy, trong suốt giai đoạn vừa qua, những điểm sáng nổi bật nhất trong hoạt động cung ứng vốn tín dụng đối với khu vực ĐBSCL là sự chủ động của hệ thống các TCTD. Theo đó, liên tiếp các chương trình tín dụng đặc thù được NHNN chỉ đạo sát sao và được các TCTD tại các địa phương thực hiện khá nhanh chóng và hiệu quả.
Cụ thể, chương trình cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn được chuyển tiếp rất suôn sẻ từ Nghị định 41 sang Nghị định 55. Kết quả cho vay nông nghiệp, nông thôn khu vực này tính đến thời điểm cuối tháng 6/2016 đạt 190 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 22% tổng dư nợ cho vay. Chương trình cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo cũng đạt khoảng trên 27.000 tỷ đồng, chiếm 75% tổng dư nợ cho vay lúa gạo toàn quốc. Chương trình cho vay thu mua, chế biến xuất khẩu thủy sản, cho vay đóng tàu (theo Nghị định 67) cũng đạt khoảng 55.500 tỷ đồng chiếm tỷ trọng lớn so với tổng dư nợ cho vay ngành thủy sản của cả nước.
Đặc biệt, trong vòng hơn 2 năm vừa qua, với chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ, các TCTD tại khu vực ĐBSCL đã rất tích cực trong việc cấp vốn vào các mô hình sản xuất nông nghiệp lớn theo hình thức phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản hàng hóa.
Trong số 28 DN được chọn để cho vay phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản thì tại khu vực ĐBSCL có 10 DN được các TCTD cho vay với tổng nguồn vốn trên 5.400 tỷ đồng. Từ chương trình này, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất giữa DN và nông dân ở các địa phương đã được hình thành. Góp phần mạnh mẽ vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp khu vực ĐBSCL.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã trao tượng trưng 7 trường học, 3 trạm y tế, 2.046 căn nhà tình nghĩa cho các tỉnh ĐBSCL. Ngành Ngân hàng đã trao tặng cho tỉnh Hậu Giang kinh phí để xây dựng trường mẫu giáo Tuổi Thơ, thuộc thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Tại Lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2016 |
Cần sự phối hợp từ “tài chính xanh”
Thảo luận tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định những đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực ĐBSCL là rất đáng ghi nhận. Thông qua nguồn vốn tín dụng của các NHTM trên địa bàn, kinh tế khu vực ĐBSCL đã có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL mà mới chỉ nói đến nguồn vốn tín dụng từ hệ thống NH thì chưa đủ.
Lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, NHNN và địa phương chứng kiến Lễ ký kết vay vốn giữa các NHTM và DN |
Tại hội thảo, các NHTM trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đã tiến hành ký kết các hợp đồng tín dụng với các DN đầu tư cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng. |
Theo ông Thành, để có đủ nguồn vốn cho sự phát triển vùng ĐBSCL cần thiết phải nhìn nhận trong tổng thể tái cấu trúc toàn nền kinh tế nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Theo đó, các bộ, ngành và Chính phủ cần có những đánh giá sâu hơn về những yếu tố liên quan đến tài chính đầu tư vào khu vực ĐBSCL, như các cơ chế khuyến khích các định chế tài chính ngoài NH đầu tư vào khu vực, làm rõ các tiêu chí về ưu tiên, ưu đãi đầu tư; mở rộng các hoạt động tài chính như cho thuê tài chính nông nghiệp hoặc đầu tư bằng các nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính cần có kế hoạch giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để dành các phần vốn đặc thù cho vùng ĐBSCL bên cạnh nguồn tín dụng ưu đãi theo các chương trình tín dụng đã có.
Bổ sung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nhiều năm nay ngành Ngân hàng tham gia tích cực vào rất nhiều các chương trình hỗ trợ vốn đầu tư vào các khu vực kinh tế vùng “3 Tây” là: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Tuy nhiên, hiện nay dường như nguồn vốn tín dụng vẫn phải “đi” một cách đơn độc. Bởi cơ chế phối hợp đầu tư tài chính phục vụ liên kết vùng kinh tế chưa được thể hiện một cách rõ ràng.
Theo ông Ánh, trong bối cảnh hội nhập và tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu diễn ra liên tục thì trong các năm tới, Chính phủ cần tạo ra các cơ chế “tài chính xanh” để dành nguồn ngân sách phục vụ cho tăng trưởng và phát triển vùng ĐBSCL. Để làm được việc này cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về nhu cầu đầu tư cũng như tạo ra một hệ thống liên kết vùng trong hoạt động quản lý, giám sát vốn ngân sách phù hợp.
Trong một chừng mực, ở phía hệ thống NH, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đẩy mạnh hơn nữa việc cung ứng nguồn tài chính cho vùng ĐBSCL, các TCTD cần phải xác định rõ việc đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, nhất là đầu tư vào các mô hình sản xuất hàng hóa lớn là tất yếu. Từ đó mở rộng các sản phẩm dịch vụ tài chính, tăng cường các biện pháp chia sẻ rủi ro với người vay, tăng quyền cho người vay, đồng thời gia tăng các hoạt động phái sinh liên quan như bảo lãnh vốn, cho thuê tín dụng, bao thanh toán…
Trong thời gian tới với nhiệm vụ của NHNN, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, sẽ tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp, chỉ đạo các TCTD thực hiện một số giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, tiếp tục đảm bảo cân đối nguồn vốn cho vay khu vực ĐBSCL, tất nhiên, đó phải là những dự án hiệu quả. Thứ hai, ngành Ngân hàng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN, hỗ trợ DN thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Thứ ba, tất cả các chương trình chính sách tín dụng đã và đang thực hiện ở ĐBSCL sẽ tiếp tục được triển khai tích cực nhất. Ví dụ, chương trình cho vay liên kết, sau 2 năm sẽ được ngành Ngân hàng sơ kết lại, rút kinh nghiệm, hoàn thiện thêm thể chế, tiếp tục hướng dẫn thêm để tiếp tục mở rộng chương trình này.
Những chương trình khác như tín dụng xanh, áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản, tín dụng cho du lịch, tín dụng hạ tầng cơ sở cũng sẽ được quan tâm thời gian tới. Thứ tư, NHNN cũng đang chỉ đạo NHCSXH tích cực cho vay vốn khu vực ĐBSCL. Phải gắn kết với tín dụng thương mại, theo hướng sau khi vay vốn NHCSXH thoát nghèo thì người dân chuyển sang vay vốn NHTM để có thể mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Ngay tại hội thảo, một số NH có dư nợ cao ở ĐBSCL tiết lộ, thời gian tới sẽ nghiên cứu cho vay các sản phẩm tín dụng hướng đến dự án bền vững, quy mô lớn. Theo ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank thì NH sẽ ưu tiên tín dụng xanh. VietinBank xây dựng giải pháp thúc đẩy sản phẩm “Ngân hàng - tín dụng xanh”, hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh; khuyến khích tập trung nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho các dự án, phương án kinh doanh, đầu tư cho các ngành, lĩnh vực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Với Agribank, ông Tiết Văn Thành – Tổng giám đốc Agribank cho biết: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020 phù hợp với định hướng, mục tiêu của Agribank và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Nghiên cứu mở rộng các mô hình cho vay khép kín, liên kết giữa Ngân hàng - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp.