ĐBSCL: Gần 28.500 tỷ đồng cam kết cho vay 73 dự án
Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN; ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đồng chủ trì Hội thảo.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo |
Theo thống kê của NHNN, tính đến 31/6/2016, tổng huy động vốn của các TCTD trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đạt khoảng trên 350.000 tỷ đồng, tăng 9,93% so với cuối 2015. Tổng dư nợ tín dụng toàn vùng đạt khoảng gần 398.000 tỷ đồng, tăng 3,39% so với cuối 2015; chiếm 8,2% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 tăng 10,1% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng gần 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và chiếm gần 48% tổng dư nợ cho vay của khu vực.
Cùng với tín dụng thương mại, tín dụng chính sách cũng đã góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân khu vực ĐBSCL. Đến nay đã có hơn 2 triệu khách hàng đang được vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, với dư nợ vay đạt gần 26.000 tỷ đồng, tăng 2,87% so với cuối năm 2015.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ĐBSCL lần này, NHNN phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL”, thể hiện sự quyết tâm của ngành Ngân hàng cùng các cấp chính quyền địa phương trong khu vực triển khai chính sách tín dụng nhằm khai thác tối đa những tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Hội thảo tập trung thảo luận và trao đổi xoay quanh các vấn đề: Đánh giá chính sách tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Vấn đề quy hoạch vùng, liên kết vùng, miền, địa phương gắn với phân bổ nguồn lực, cơ cấu đầu tư tín dụng cho vùng ĐBSCL; Đánh giá nhu cầu tín dụng cho các chương trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nhằm đối phó với tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn gia tăng; Liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam; Kiến nghị cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng khuyến khích đầu tư, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện an sinh xã hội tại các tỉnh ĐBSCL.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách nhằm phục vụ tốt hơn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL.
Tại Hội thảo lần này sẽ diễn ra lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa các NHTM và doanh nghiệp để đầu tư cho 73 dự án thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL với tổng số tiền cam kết cho vay gần 28.500 tỷ đồng, tiếp tục thể hiện sự đồng hành của ngành Ngân hàng trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL.
Phóng viên Thời báo Ngân hàng sẽ tiếp tục thông tin thêm về diễn biến Hội thảo.