Khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2016
Đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tới dự và phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn MDEC. Tham dự Lễ khai mạc có ông Trương Vĩnh Trọng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương.
Về phía ngành Ngân hàng, tham dự Lễ khai mạc MDEC 2016 có ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN; ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc và lãnh đạo NHNN các địa phương, lãnh đạo các NHTM.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn MDEC 2016 |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam khi chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, do đặc thù địa lý, ĐBSCL là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn và nước biển dâng đã gây nên những thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng như đời sống và sinh kế của người dân trong vùng.
Trong bối cảnh đó, với tầm nhìn “An toàn, Trù phú và Bền vững” làm trọng tâm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Đảng và chính quyền các tỉnh trong vùng đã và đang hướng tới các giải pháp tổng hợp, vừa mang tính cấp bách cũng như những chiến lược lâu dài, có tính chất liên vùng, liên ngành để hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu.
Qua diễn đàn này, Phó Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các địa phương sẽ tìm ra những cơ hội tốt để hợp tác đầu tư; Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có chính sách, biện pháp hỗ trợ thiết thực các nhà đầu tư phù hợp với chính sách chung và điều kiện thực tế của địa phương; Làm tốt cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam tới năm 2020.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Tổ chưc diễn đàn, các Bộ, ban ngành và địa phương trong việc tổ chức Diễn đàn với nội dung phong phú và thiết thực.
Diễn đàn MDEC 2016 sẽ diễn ra từ ngày 11 - 15/7/2016 tại TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với nhiều sự kiện, hội thảo khoa học nhằm tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn đang đặt ra của vùng như: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; thảo luận và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp, nông dân vùng ĐBSCL chủ động gia nhập và phát triển bền vững.
Thông qua Diễn đàn, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư; kết nối cung cầu và quảng bá, tiềm năng thế mạnh của vùng, tiến tới thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Bên cạnh chính sách tín dụng chung, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Gần đây nhất, để kịp thời ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngày 9/3/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL.
Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng đã tập trung nguồn lực, tích cực triển khai hoạt động tín dụng đầu tư cho khu vực ĐBSCL. Tính đến cuối tháng 6/2016, dư nợ tín dụng vùng ĐBSCL đạt gần 400.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao tượng trưng kinh phí xây dựng 7 trường học, 3 trạm y tế, 2.046 căn nhà tình nghĩa |
Trước khi diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn MDEC, ngày 11/7/2016, tại thành phố Cần Thơ, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN và ông Achim Fock, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký Hiệp định cho các khoản vay và tín dụng trị giá 560 triệu USD hỗ trợ Dự án “Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” và Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, kịp thời bổ sung cho nguồn lực trong nước để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu; đảm bảo sản xuất bền vững; giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài của vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL.
Thông qua Diễn đàn, công tác an sinh xã hội cũng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Qua các kỳ MDEC, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vận động, chăm lo cho công tác an sinh xã hội vùng ĐBSCL. Ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong công tác này. Tính từ năm 2001 đến 2016, toàn ngành Ngân hàng đã tài trợ an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL số tiền hơn 2.700 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, số tiền do ngành Ngân hàng và TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cho vùng, cùng sự vận động của 13 tỉnh thành ĐBSCL với số tiền 927 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao hoa và bảng vàng tri ân các tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác an sinh xã hội khu vực ĐBSCL |
Ngay tại Diễn đàn, ngành Ngân hàng đã trao tặng 10 tỷ đồng cho tỉnh Hậu Giang để xây dựng trường Mẫu giáo Tuổi Thơ, thuộc thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành.
Cũng tại Lễ khai mạc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã trao bảng vàng vinh danh các đơn vị, các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp tích cực trong công tác an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL, trong đó có một số ngân hàng: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, KienLongBank, Techcombank.