Mở rộng thị phần đối với DN FDI
Tuy nhiên, sau sự cố một số DN FDI bị thiệt hại do các vụ gây rối vừa qua, nhiều ngân hàng có cơ hội để tiếp cận cũng như cung ứng các sản phẩm dịch vụ đến với các DN FDI nhiều hơn. Đặc biệt sau khi NHNN đã chỉ đạo các NHTM chủ động cơ cấu, gia hạn nợ, giảm lãi kể cả khoanh nợ cho DN FDI bị thiệt hại. Đồng thời gia tăng hạn mức tín dụng nếu DN có nhu cầu tăng vốn…
Các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hướng tới đối tượng khách hàng là DN FDI
Mới đây, HDBank dành nguồn vốn ưu đãi 500 tỷ đồng cho vay trung hạn với điều kiện vay không cần tài sản đảm bảo (tín chấp) đối với các DN FDI, thời gian áp dụng từ nay đến hết 30/9/2014. Theo đó, các DN FDI đáp ứng đầy đủ các điều kiện của HDBank sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng, máy móc, thiết bị, mua nguyên vật liệu… với mức vay 70% chi phí theo phương án khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, HDBank sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi hấp dẫn trong 6 tháng đầu tiên là 12%/năm đối với loại tiền vay VND và 5% đối với loại tiền vay USD. Các tháng tiếp theo, lãi suất áp dụng theo quy định hiện hành của HDBank.
Cũng chung mong muốn mở rộng khách hàng sang khối ngoại, Phó tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng nhìn nhận, vai trò quan trọng của các DN FDI đối với sự phát triển nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Năng lực cạnh tranh ở cấp quốc gia Việt Nam của các DN FDI luôn từng bước được cải thiện, bởi vậy có thể nhìn nhận rằng khối FDI đang dần trở thành trụ cột của nền kinh tế Việt Nam cả hiện tại và trong tương lai. Việc phát triển khách hàng FDI cũng sẽ là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các TCTD cả trong nước và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.
Theo đánh giá của Vietcombank, nhóm khách hàng FDI chiếm vai trò khá quan trọng trong giao dịch đối với các tổ chức kinh tế nói chung, đặc biệt là hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất khẩu. Bởi vậy, tiềm năng đẩy mạnh doanh số thanh toán xuất nhập khẩu đối với các khách hàng FDI tương đối lớn. Vietcombank luôn phát triển, mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho các DN FDI như tiền gửi, tài khoản thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, chuyển tiền nội địa, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng, vay tiêu dùng…
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng này, tỷ trọng về số lượng khách hàng và dư nợ của các khách hàng FDI vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ trong cơ cấu khách hàng và tổng dư nợ của Vietcombank, chưa tương xứng với khả năng của Vietcombank và nhu cầu tiềm năng của các DN FDI mà Vietcombank có thể khai thác. Phó tổng giám đốc Phạm Quang Dũng cho rằng, công tác phát triển khách hàng FDI của Vietcombank thời gian tới cần được đẩy mạnh hơn nữa với việc gắn kết, triển khai đồng bộ từ trung ương đến các chi nhánh, trong đó phát triển gắn bó cả lĩnh vực bán lẻ và bán buôn.
Trong định hướng phát triển năm 2014, VietinBank cũng có kế hoạch đẩy mạnh tăng trưởng khách hàng DN FDI trên cả chiều rộng và chiều sâu tại các địa bàn trọng điểm. Đại diện VietinBank cho rằng, thời gian qua, ngân hàng luôn tích cực hỗ trợ hiệu quả, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về dịch vụ tài chính của khách hàng FDI. Ngân hàng đã thiết kế các giải pháp tài chính linh hoạt, đặc thù và đa dạng dành riêng cho DN khu vực FDI như gói dịch vụ quản lý vốn tập trung, dịch vụ ngoại hối và nhiều sản phẩm thế mạnh khác như các sản phẩm tài chính đầu tư, phái sinh và cấu trúc…
Trong 2013, VietinBank đã dành hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh đối với khách hàng DN FDI, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn và trọng điểm của tỉnh, quốc gia, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Minh Nguyễn