Mỹ phác thảo thỏa thuận “giai đoạn 1” với Trung Quốc
Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang | |
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung đi về đâu? | |
Liệu căng thẳng Mỹ - Trung có thể lên một nấc thang mới? |
Bước tiến lớn
Thỏa thuận mới bao gồm các vấn đề về nông nghiệp, tiền tệ và một số khía cạnh về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Đây là bước tiến lớn nhất của hai nước trong 15 tháng qua nhằm chấm dứt cuộc chiến thuế quan đã khiến thị trường tài chính hoảng loạn và kéo chậm lại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên thông báo phát đi từ phía Mỹ vào cuối tuần trước không bao gồm nhiều chi tiết và ông Trump nói rằng, có thể mất đến 5 tuần để xây dựng bản hiệp ước này. Thế nhưng ông vẫn cảnh báo thỏa thuận có thể sụp đổ trong thời gian đó, mặc dù ông tin rằng điều đó sẽ không xảy ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà đàm phán hai nước tại Nhà Trắng hôm 11/10 |
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một sự hiểu biết cơ bản về các vấn đề chính. Chúng tôi đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói khi hai phái đoàn đàm phán tập trung lại với ông Trump tại Nhà Trắng. “Chúng tôi sẽ không ký thỏa thuận trừ khi chúng tôi được đáp ứng (các điều khoản) và có thể nói với tổng thống rằng đó là trên giấy tờ”.
Mnuchin cũng cho biết ông Trump đã đồng ý không tăng thuế lên 30% đối với 250 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc, mà theo dự kiến việc tăng thuế sẽ có hiệu lực vào thứ Ba tới. Nhưng đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, ông Trump không đả động gì tới thuế quan sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới.
Phát biểu tại buổi họp với hai đoàn đàm phán tại Nhà Trắng, ông Trump nói với các phóng viên rằng, hai bên đã tiến rất gần đến việc chấm dứt tranh chấp thương mại. “Có rất nhiều bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc, và bây giờ nó là một cuộc tình (lovefest). Đó là một điều tốt”, ông Trump nói. “Tôi nghĩ rằng, chúng tôi sẽ có một thỏa thuận, đó là một thỏa thuận tuyệt vời, một thỏa thuận vượt ra ngoài vấn đề thuế quan”, theo ông Trump.
Trong khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc lại có một giọng điệu khác trong nhận xét của mình. “Chúng tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Chúng tôi rất vui vì điều đó. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực”, ông Lưu nói.
Tân Hoa Xã cũng đưa tin, cả hai bên “đồng ý nỗ lực hướng tới một thỏa thuận cuối cùng”. Trong một bài xã luận được xuất bản trực tuyến bởi tờ Nhân dân nhật báo vào thứ Bảy, Trung Quốc nói rằng vòng đàm phán mới nhất mang tính xây dựng, thẳng thắn và hiệu quả; đồng thời lưu ý rằng trong khi hai bên đang tiến tới một giải pháp, “không thể giải quyết vấn đề bằng cách gây áp lực độc đoán đối với Trung Quốc”.
Theo dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ngày 16/11 tại Santiago, Chile và Trump gợi ý rằng, một thỏa thuận bằng văn bản có thể được ký kết tại đây.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, các vấn đề về sở hữu trí tuệ mới chỉ được đề cập khá ít. Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết, các điều khoản về sở hữu trí tuệ được đề xuất chủ yếu tập trung vào việc tăng cường các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ của thế kỷ 20, như các vấn đề liên quan đến bản quyền, thương hiệu và vi phạm bản quyền. Trong khi không giải quyết được các vấn đề chuyển giao công nghệ khó khăn hơn liên quan đến luồng dữ liệu, an ninh mạng... Trump cho biết một số vấn đề về sở hữu trí tuệ sẽ được để lại cho các giai đoạn sau của các cuộc đàm phán. Theo đó, các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu ngay khi thỏa thuận giai đoạn đầu được ký kết và giai đoạn thứ ba cũng có thể nếu cần thiết.
Trong khi ông Trump, một mặt đã tán dương Trung Quốc vì đã đồng ý mua 50 tỷ USD các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, nhưng vẫn giữ nguyên các mức thuế quan áp lên hàng trăm tỷ đôla sản phẩm của Trung Quốc. Bởi vậy, mặc dù thông báo của ông Trum là hết sức tích cực, nhưng vẫn khiến nhiều người hoài nghi. “Tôi không chắc việc gọi những gì mà Tổng thống Trump công bố là thỏa thuận đã là hợp lý”, Scott Kennedy - một chuyên gia về thương mại Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết. “Nếu chúng không được đồng ý bằng văn bản, điều đó có nghĩa là chúng có thể không được thực hiện. Mong muốn một thỏa thuận không ai thực hiện. Nó không phải là một thỏa thuận mong manh mà là một thứ vô hình”.
Mặc dù vậy, đã có những dấu hiệu tích cực từ Trung Quốc trong những ngày gần đây. Cơ quan Quản lý chứng khoán Trung Quốc đã công bố vào thứ Sáu tuần trước thời điểm xóa bỏ quy định giới hạn sở hữu nước ngoài tại các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán... Việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này là một trong những yêu cầu của Mỹ tại các cuộc đàm phán thương mại.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng vừa xác nhận bán ròng 142.172 tấn thịt lợn của Mỹ cho Trung Quốc trong tuần kết thúc vào ngày 3/10. Tổng thống Mỹ cũng cho biết Trung Quốc đã đồng ý thực hiện các giao dịch mua từ 40 tỷ đến 50 tỷ đôla hàng hóa nông nghiệp của Mỹ.