Mỹ quyết ngăn bí quyết công nghệ rơi vào tay Trung Quốc
Đã có nhiều bài viết của các tác giả, nhóm nghiên cứu phản ánh về vấn đề này nhưng dưới đây là một góc nhìn khác từ Noah Smith, một cây viết bình luận của Bloomberg.
CFIUS đã đẩy mạnh ngăn chặn hoặc hủy bỏ thâu tóm các công ty Mỹ từ phía nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) trong 2 năm qua |
Không thể chấp nhận
Dưới tiêu đề: “Ông Trump đúng: Trung Quốc cần ngừng ăn cắp các ý tưởng tốt nhất của Mỹ”, Noah Smith cho rằng, hành vi ăn cắp hay buộc phải chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ đều là không thể chấp nhận.
Hãy thử giả thiết một nhà sản xuất ôtô chạy điện của Trung Quốc muốn giành thị phần bằng cách bán xe với công nghệ pin tiên tiến nhất. Họ sẽ làm thế nào để có được công nghệ đó? Thứ nhất họ có thể thuê một số kỹ sư, xây dựng một phòng thí nghiệm và cố gắng tự phát triển công nghệ của mình. Thứ hai, họ có thể hợp tác với một phòng thí nghiệm của một trường đại học nào đó. Thứ ba, họ có thể bỏ tiền ra mua một công ty Mỹ đã có công nghệ này.
Cách thứ ba có thể mang lại lợi nhuận tốt cho cả người thâu tóm và đối tượng bị thâu tóm, nhưng nó có thể sẽ ngăn cản hoặc làm phân rã toàn bộ hệ sinh thái phát triển xung quanh công ty Mỹ đó ở Hoa Kỳ, bởi công ty Trung Quốc lúc này sẽ nhiều khả năng mang công nghệ pin đó về Trung Quốc, tìm nguồn cung ứng các bộ phận và sản xuất pin ngay ở trong nước. Và dù công ty Mỹ có thể thu lợi lớn khi “bán mình” như vậy, nhưng khi tình trạng tương tự diễn ra với các công ty khác của Mỹ thì về tổng thể nói chung, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại.
Kịch bản đó có thể được ngăn chặn nếu Ủy ban Đầu tư nước của Mỹ (CFIUS) đưa ra hành động kịp thời. Như đã biết, CFIUS được lập ra là để đối phó với những rủi ro đối với an ninh quốc gia Mỹ, như trong trường hợp các thế lực nước ngoài muốn sử dụng phương thức thâu tóm để làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ quân sự.
Trong thực tế, mối quan tâm về an ninh quốc gia hầu như không bao giờ tách rời khỏi những quan tâm về kinh tế như kịch bản được mô tả ở trên, bởi sự thống trị về công nghệ luôn có những tác động cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Khi thuyết phục thành công Tổng thống Donald Trump trong việc ngăn chặn nhà sản xuất thiết bị viễn thông Qualcomm Inc. của Mỹ khỏi sự thâu tóm của đối thủ Broadcom Inc. (đây là tập đoàn có trụ sở tại Singapore và đã đề xuất chi 117 tỷ USD để "thâu tóm" Qualcomm), CFIUS đã tỏ rõ sự lo ngại rằng động thái này sẽ dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu cho nghiên cứu và làm suy yếu sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ này và qua đó có thể mang lại lợi thế cạnh tranh cho đối thủ Trung Quốc là Huawei Technologies Co.
CFIUS được thành lập vào những năm 1970 nhưng hiếm khi phát hiện hay đưa ra cảnh báo về những cách thức mới mà các NĐT nước ngoài dùng để tiếp cận với công nghệ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên với sự nổi lên của Trung Quốc như một đối thủ kinh tế, công nghệ và quân sự, cùng với đó là cách tiếp cận táo bạo và mạnh mẽ hơn của Tổng thống Trump đối với thương mại thì hàng loạt các giao dịch thâu tóm đã bị ngăn cản hoặc hủy trong hai năm qua.
Mỹ phải quyết liệt hơn
Nhưng đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu, vì CFIUS nhiều khả năng sẽ sớm được tăng thêm quyền lực đáng kể. Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin hiện đang xem xét sử dụng các “quyền lực khẩn cấp” để ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ, và CFIUS có thể được trao quyền để quản lý các ngăn chặn này.
Bên cạnh đó, lưỡng đảng của Mỹ cũng đang có một nỗ lực lập pháp để tăng cường vai trò của CFIUS, theo đó sẽ cho phép cơ quan này mở rộng giám sát nhiều khoản đầu tư nhỏ (đầu tư thiểu số) từ các công ty Trung Quốc.
Tại sao phải quan tâm đến “đầu tư thiểu số”? Nếu một công ty Trung Quốc chỉ mua cổ phần thiểu số trong một công ty Hoa Kỳ thì họ (công ty Trung Quốc) sẽ không thể thực hiện được kịch bản như được mô tả ở trên. Tuy nhiên, những gì họ có thể làm là gửi nhân viên của mình đến làm việc với công ty đối tác Hoa Kỳ, từ đó có cơ hội sao chép, học hỏi hoặc ăn cắp thiết kế, ý tưởng và kiến thức về quy trình và chuyển giao chúng cho phía công ty Trung Quốc. Thế nên nếu CFIUS có quyền lực mạnh hơn thì có thể ngăn chặn được điều này.
Nhưng Trung Quốc cũng sẽ không dễ bị làm nản trí. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc xác định đưa nước này di chuyển lên trong chuỗi giá trị. Để làm được điều này, Trung Quốc cần nâng cấp trình độ công nghệ. Và đây là bản chất của kế hoạch “Made in China 2025”, với mục tiêu tìm kiếm con đường để thiết lập vai trò dẫn dắt của công nghệ Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp tiên tiến trong vài năm tới.
Điều này còn trở nên cấp bách hơn bởi dù chi tiêu cho nghiên cứu đã đạt các mức kỷ lục nhưng tăng trưởng năng suất của Trung Quốc đã chậm lại trong những năm gần đây. Do đó có thể nhận định Chính phủ Trung Quốc sẽ có biện pháp quyết liệt để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trong đó có việc phải quyết tâm có được các công nghệ nước ngoài dù bằng cách nào.
Trong đó, một phương pháp mà Trung Quốc vẫn sẽ cố gắng sử dụng để có được công nghệ của Mỹ là thông quan liên doanh. Trung Quốc thường yêu cầu các công ty đa quốc gia phải thành lập liên doanh với các công ty Trung Quốc để có thể tiếp cận thị trường nội địa rộng lớn của mình. Và thật khó cho một công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc mà không để cho những bí mật công nghệ của mình bị rò rỉ.
Đối tác Trung Quốc có thể nắm lấy công nghệ của công ty Mỹ và chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc khác hoặc cho Chính phủ, sau đó thì họ dần vượt qua công ty Hoa Kỳ mà họ liên doanh và đẩy nó ra khỏi thị trường Trung Quốc. Những liên doanh như vậy sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của CFIUS theo dự thảo mới nhất của luật mới. Bởi vậy nếu ông Trump muốn giải quyết được nguy cơ bị rò rỉ công nghệ như vậy thì sẽ phải sử dụng các công cụ khác.
Một cách khác để Trung Quốc có thể có được công nghệ của Mỹ là thuê người Mỹ, mà theo lẽ tự nhiên thì họ sẽ mang những ý tưởng và kỹ thuật đã học được từ các nhà tuyển dụng trước hoặc các trường đại học ở Hoa Kỳ. Rất có thể Trung Quốc sẽ hướng chú ý đặc biệt đến những người Mỹ gốc Hoa vì đây là những đối tượng thường bị phân biệt đối xử trong tuyển dụng và thăng tiến ở Hoa Kỳ. Với các đối tượng này, một sự nghiệp hay công việc tốt ở Trung Quốc, cho dù bầu không khí có ô nhiễm hơn, rất có thể là lời mời chào hấp dẫn.
Nếu muốn thực sự nghiêm túc trong việc ngăn chặn chuyển giao công nghệ, Hoa Kỳ sẽ phải làm nhiều hơn là chỉ cố gắng ngăn chặn đầu tư của Trung Quốc. Mỹ sẽ phải tìm cách để hạn chế nguy cơ khi công ty Mỹ bị ép buộc hoặc lén lút thông qua các liên doanh để chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Mỹ cũng phải hành động để làm cho nước Mỹ tự nó trở thành một nơi hấp dẫn hơn cho các nhân lực công nghệ Mỹ, thay vì có thể sẽ chuyển sang Trung Quốc để tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.