Nâng cao hiểu biết để thúc đẩy tài chính toàn diện
Tham dự Hội thảo có bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN; ông Naoyuki Yoshino, Giám đốc ADBI cùng đại diện NHTM tại một số nước Châu Á - Thái Bình Dương, chuyên gia, nhà khoa học tài chính...
Quang cảnh hội thảo
Trong những năm gần đây, quá trình triển khai tài chính toàn diện ở khu vực Châu Á và trên thế giới cũng đã thu được nhiều kết quả, qua đó người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ tài chính, vì thế khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị cũng phần nào được thu hẹp. Vấn đề cơ sở hạ tầng phát triển cho việc thúc đẩy tài chính toàn diện cũng đã được thúc đẩy. Những chỉ số về tăng trưởng cũng như giảm nghèo ở các quốc gia Châu Á đã phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc thúc đẩy tài chính toàn diện trong khu vực còn những hạn chế nhất định, và còn một khối lượng lớn người dân, đặc biệt là những người nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa thể tiếp cận được dịch vụ tài chính.
Phó Thống đốc cho rằng, người nghèo cũng là đối tượng dễ bị tổn thương, còn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận dịch vụ tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở pháp lý chưa đồng bộ, hay cơ sở phát triển hạ tầng tài chính chưa được đồng đều, chưa được đầu tư một cách thích đáng. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng nhận thấy, một vấn đề hết sức quan trọng khác là giáo dục tài chính tuy đã được quan tâm nhưng thực sự vẫn còn hạn chế. Vấn đề công nghệ tài chính cũng chưa được phát triển hết tiềm năng. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã phát triển và nhiều hoạt động của các công ty Fintech có thể hỗ trợ cho việc thúc đẩy toàn chính toàn diện. Đã có những quốc gia đầu tư cho việc chuẩn bị công nghệ này, nhưng cũng có những quốc gia chưa thể tiến hành được các bước vận dụng công nghệ tài chính để thúc đẩy tài chính toàn diện.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hy vọng hội thảo sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam học hỏi, chia sẻ với các chuyên gia xung quanh vấn đề phát triển tài chính toàn diện, đặc biệt với NHNN - cơ quan được Chính phủ giao cho việc xây dựng chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện ở Việt Nam.
Bàn về tổng quan về các vấn đề liên quan đến Tài chính toàn diện, giáo dục và bảo vệ người tiêu dùng ở Châu Á, ông Naoyuki Yoshino, Giám đốc ADBI cho rằng: Một trong những vấn đề để thúc đẩy tài chính toàn diện chính là giáo dục tài chính ở các trường học, cụ thể là chú trọng đào tạo tốt cho giáo viên về các vấn đề tài chính. “Đối với Nhật Bản, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát mức độ hiểu biết về đào tạo tài chính. Bởi chúng tôi cho rằng, mỗi mức độ đào tạo phải dựa trên mức độ tiếp cận về tài chính. Như với sinh viên, mức độ này phải phù hợp với thực tế đời sống của họ”, ông Yoshino chia sẻ.
Ông Naoyuki Yoshino cũng nhấn mạnh vai trò đào tạo tài chính dành cho đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi các DN này rất giỏi trong việc sản xuất ra các dịch vụ để bán, song lại khá hạn chế khi sử dụng các dịch vụ của ngân hàng để phục vụ cho việc phát triển và quảng bá sản phẩm của DN mình...
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện tới từ nhiều NHTM tại khu vực Châu Á đã cùng thảo luận, chia sẻ nhiều nội dung xung quanh việc phát triển tài chính toàn diện như: tiếp cận tài chính ở các quốc gia mới nổi Châu Á, các yếu tố quyết định và tác động của hiểu biết tài chính ở Châu Á, bảo vệ người tiêu dùng và tài chính trách nhiệm...
Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra tới hết ngày 4/3/2017.