Năng suất lao động của Việt Nam: Quá trình đuổi bắt đang thực sự diễn ra
NSLĐ và tư duy trọng “lượng” hơn trọng “chất” | |
Phải tìm ra động lực phát triển |
Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ An – Viện Kinh tế Việt Nam lại cho rằng “không đến mức bi quan về tăng NSLĐ của Việt Nam. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy tăng NSLĐ”. Mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, CPH DNNN được thúc đẩy, môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, vĩ mô duy trì được sự ổn định và cơ cấu kinh tế vẫn đang được chuyển dịch… là những áp lực và cũng là những yếu tố đã góp phần làm tăng NSLĐ của Việt Nam.
Cần giải pháp khích lệ chuyển dịch lao động sang các ngành áp dụng công nghệ mới và có tiềm năng tăng trưởng |
“Và trên thực tế, quá trình đuổi bắt đang thực sự diễn ra, khoảng cách NSLĐ của Việt Nam và các nước đang dần được thu hẹp. Việt Nam có NSLĐ tăng nhanh hơn so với hầu hết các nước Đông Nam Á và Đông Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản”, ông An nhận xét.
Chẳng hạn, so sánh với các nước năm 1991, NSLĐ của Việt Nam bằng 4,4% của Singapore, bằng 10,5% của Malaysia, bằng 23,9% của Thái Lan… thì đến năm 2017, tỷ lệ so sánh NSLĐ của Việt Nam với Singapore tăng lên tương đương với 7,2% của Singapore, bằng 18,4% của Myanmar và bằng 37,4% của Thái Lan.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện Năng suất Việt Nam cũng chỉ ra những cải thiện đáng kể về NSLĐ, đó là đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Chỉ tính riêng các năm 2016 - 2017, TFP ước tăng 2,26%, đóng góp khoảng 35,4% vào tăng trưởng kinh tế. “Tăng trưởng kinh tế đang dần dựa trên tăng chất lượng, thay vì chủ yếu do tăng số lượng đầu vào như giai đoạn trước đó”, ông Tuấn bình luận.
Cho dù cải thiện mạnh, nhưng “chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là NSLĐ của Việt Nam đang rất thấp so với nhu cầu phát triển”, ông Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra. Thành tích tăng NSLĐ của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, mà chưa phải là sự cải thiện NSLĐ trong nội tại từng ngành kinh tế, theo chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận. Và so sánh NSLĐ theo giờ công của Việt Nam với một số nước châu Á, cho thấy khoảng cách còn khá xa, thậm chí khoảng cách khác biệt nhiều hơn so với NSLĐ tính theo người.
Theo ông Phạm Sỹ An, để có thể thu hẹp khoảng cách “với tốc độ nhanh hơn hay thu hẹp khoảng cách phát triển với thời gian ngắn hơn”, Việt Nam cần làm tốt hơn những gì đang làm. Mức tăng NSLĐ phụ thuộc vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, độ mở mạnh của nền kinh tế.
Những năm gần đây, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam luôn được kiềm giữ ở mức thấp và ổn định. Nếu tỷ lệ lạm phát tiếp tục được giữ ở mức thấp và ổn định trong dài hạn sẽ góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng sản lượng của nền kinh tế, từ đó sẽ làm tăng NSLĐ và mức sống người dân.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh hội nhập ngày một lớn sẽ buộc các DN phải đổi mới, sáng tạo để có thể trụ vững và phát triển. Chính phủ các nước cũng sẽ phải cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài qua việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí giao dịch. Do đó cũng sẽ góp phần làm phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế hiệu quả hơn, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp và cuối cùng là tăng NSLĐ – mức sống của người dân.
Đồng tình như vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, mở cửa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới và chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế sẽ góp phần làm tăng năng suất tổng thể nền kinh tế, từ đó góp phần làm tăng NSLĐ.
Và để động lực tăng trưởng kinh tế có thể đến từ yếu tố NSLĐ, các chuyên gia khuyến nghị, đã đến lúc Việt Nam cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lao động trong nhóm ngành vốn là động lực tăng trưởng trong những năm qua là nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cần những chính sách để lao động dịch chuyển từ nhóm ngành có NSLĐ thấp như nông nghiệp sang nhóm ngành có NSLĐ cao hơn như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ có thể đảm nhiệm công việc tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn.
Cần tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển lao động diễn ra theo hướng có lợi cho tăng hiệu ứng dịch chuyển và hiệu ứng tương tác như tăng cường thu hút lao động vào ngành có NSLĐ cao và đang tăng trưởng. Đặc biệt, NSLĐ trong các nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ cần được chú trọng nâng cao, tạo động lực lâu dài cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 92,1 triệu đồng/lao động (tương đương 4.118 USD/lao động), tăng 5,9% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm (cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TW đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020: tốc độ tăng NSLĐ bình quân hằng năm cao hơn 5,5%. |