Nâng tầm pháp lý cho hộ kinh doanh
Cú hích nào để phát triển 5 triệu hộ kinh doanh | |
Hà Nội: Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp | |
Sửa luật để “cởi trói” cho doanh nghiệp |
Đang thu thuế cả đối tượng vi phạm pháp luật?
5 triệu hộ sản xuất kinh doanh đóng góp rất lớn vào nền kinh tế và xã hội khi đóng với 30,5% GDP tạo việc làm cho hàng triệu lao động, cung ứng hàng hóa đến những nơi xa nhất cho người dân, lưu truyền nghề truyền thống… Hộ sản xuất, kinh doanh chính là nơi tinh thần kinh doanh khởi sự. Nhưng đến nay vẫn không quy định rõ về hộ kinh doanh; khung pháp lý cho hộ kinh doanh chưa hoàn thiện, nhiều bất cập. Hộ sản xuất kinh doanh vẫn tự sinh tự dưỡng, không nhận được sự hỗ trợ nào từ nhà nước, không có tổ chức nào bảo vệ.
“Họ tự bỏ vốn kinh doanh, thua lỗ thì tự “phá sản”, có lãi thì nhà nước thu thuế. Họ lại bị ràng buộc bởi những điều kiện quá bất hợp lý”, bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN nhỏ, vừa và hộ kinh doanh (Tổng cục Thuế) phát biểu.
Để hộ kinh doanh bước sang khu vực chính thức, phải hoàn thiện khung khổ pháp lý để có những quy định phù hợp |
Theo đó, hiện hộ kinh doanh chỉ được hoạt động tại địa điểm đăng ký, không được mở thêm chi nhánh, không được thuê quá 10 lao động và không được dừng hoạt động quá 12 tháng... Những ràng buộc này còn đang làm khó cơ quan chức năng đẩy cơ quan chức năng vào rủi ro “làm không đúng quy định”. “Có khá nhiều hộ kinh doanh có nhiều cửa hàng, hộ sản xuất có mấy địa điểm sản xuất. Ngành thuế không thể chỉ thu thuế của một cửa hàng vì không thu ở các địa điểm khác là để thất thu, vì thế ngành thuế cứ phải đi theo để thu thuế… Tuy nhiên nếu chiểu theo luật rất có thể chúng tôi bị quy là đang thu thuế cả đối tượng vi phạm pháp luật”, bà Lan cho biết.
Hơn nữa, khái niệm hộ không tương thích với thông lệ quốc tế nên lâu nay ngành thuế rất vất vả vì phải giải thích về hộ kinh doanh trong các văn bản pháp lý. Từ thực tế đó, bà Lan kỳ vọng đặt ra trong lần sửa Luật DN lần này sẽ điều chỉnh hộ kinh doanh, tạo ra khung khổ pháp lý để nâng đỡ hộ, tạo môi trường cho hộ kinh doanh phát triển chứ không phải tìm cách quản họ chặt hơn nhưng với một khái niệm khác không phải là khái niệm hộ.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, hộ kinh doanh hay các loại hình DN chỉ là những công cụ để người dân lựa chọn khi kinh doanh. Vì vậy để đảm bảo mọi người dân kinh doanh đều có quyền tự do, bình đẳng, cần có cơ sở pháp lý dành riêng cho hộ kinh doanh.
“Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hôm nay là mầm non của DN ngày mai. Họ vững thì DN vững. Họ thiếu minh bạch, không chuyên nghiệp thì cộng đồng DN tới đây khó mạnh mẽ được. Quan điểm của chúng tôi cần cho môi trường thực sự thuận lợi để hộ kinh doanh phát triển”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu và bày tỏ mong muốn trong Luật DN sửa đổi sẽ có quy định cho hộ kinh doanh để nâng tầm pháp lý cho hộ kinh doanh.
Hôm nay là ông chủ bán phở mai là giám đốc công ty phở?
Ủng hộ ý tưởng hộ kinh doanh sẽ có trong Luật DN sửa đổi, nhưng không phải ép buộc hộ chuyển hết thành DN, Chủ tịch VCCI nói: “Cần quan tâm đến khu vực này là tìm các cơ sở pháp lý để họ phát triển lên, chuyên nghiệp hơn, hoạt động thuận lợi hơn. Nhưng sẽ không thể có tình trạng hôm nay là chủ hàng phở, mai thành giám đốc công ty bán phở”.
Đồng quan điểm nên coi hộ kinh doanh là đối tượng điều chỉnh của Luật DN, song không phải theo cách chuyển hết hộ thành DN, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình của Economica Vietnam cho rằng: “Việc quy định hộ kinh doanh cá thể là một loại hình DN nhằm đảm bảo địa vị pháp lý của loại hình kinh doanh này và nhằm ngay lập tức chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh không phải là phương thức phù hợp và hiệu quả”.
Theo đó, việc nâng cao tính chính thức của hộ kinh doanh cá thể và chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành DN cần phải có lộ trình hợp lý và các bước đi phù hợp. Trọng tâm của các hoạt động cải cách trong Luật DN cũng như trong hoạt động cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới phải theo hướng giảm chi phí tuân thủ, nâng cao các lợi ích và khiến các hộ kinh doanh có thể thấy rõ ràng được lợi ích so với chi phí khi đăng ký theo Luật DN hơn là đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh...
Trong khi Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng không phải lựa chọn chuyển hay không chuyển đổi, mà phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, tức đã đạt đến một quy mô nhất định là DN; tức thừa nhận 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình DN. Với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ, vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh, thì cũng không yêu cầu phải đăng ký kinh doanh và tất nhiên không bao giờ đặt ra vấn đề phải nâng lên thành DN. Bên cạnh đó, để hộ kinh doanh bước sang khu vực chính thức, phải hoàn thiện khung khổ pháp lý để có những quy định phù hợp và tốt hơn cho hộ, gia tăng quyền lợi hơn, chẳng hạn như bỏ đi giới hạn hộ chỉ được có 1 địa điểm kinh doanh hay chỉ được thuê dưới 10 lao động.
“Tóm lại, hộ kinh doanh và DN dù khác nhau bao nhiêu thì vẫn đều phải có một đòi hỏi xuất phát, một yêu cầu tối thiểu, một tiêu chuẩn nền tảng hay một mặt bằng cơ sở, chứ không thể hộ kinh doanh thì đo từ mặt biển, còn DN đo từ chân núi”, Luật sư Đức nói. Tuy nhiên, không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành DN phải sống và khó sống như DN siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các DN siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên, thì buộc phải hạ chuẩn DN siêu nhỏ xuống.