Nền kinh tế trước hai ngã rẽ
Để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế | |
Hỗ trợ DN, đưa nền kinh tế vượt khó | |
Nền kinh tế tiếp tục xu hướng cải thiện |
Cho đến thời điểm hiện tại, một số chuyên gia và tổ chức quốc tế cho rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 ở mức 6,7% là rất khó khăn, trong bối cảnh kinh tế quý I giảm tốc và chúng ta phải tiếp tục mục tiêu ổn định vĩ mô, giảm dần bội chi ngân sách để giữ an toàn nợ công…
“Tất nhiên chúng ta vẫn phải nỗ lực tối đa để đạt được tăng trưởng cao nhất trong năm nay. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này là rất khó mà tôi nghĩ tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6,5% thì có thể”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH nhận định.
Việc đạt được mục tiêu trưởng GDP năm 2016 ở mức 6,7% là rất khó khăn |
Theo lý giải của ông Lực, nguyên nhân vì năm nay lĩnh vực nông nghiệp không thuận lợi, đặc biệt hiện tượng thời tiết El Nino và xâm nhập mặn không chỉ tác động mang tính chất mùa vụ ngắn hạn mà khá lâu dài. Bên cạnh đó, những quyết tâm cải cách của Chính phủ như Nghị quyết 35 mới đây cũng phải có độ trễ mới phát huy tác dụng.
Áp lực lạm phát cũng là vấn đề không thể chủ quan, giá dầu có xu hướng tăng trở lại và có thể trở lại ở mức 55-60 USD/thùng và giá cả hàng hóa cũng có thể tiếp tục nhích lên do các yếu tố hạn hán, thiên tai và một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu vẫn trong lộ trình tăng giá.
Đó là chưa nói tới các yếu tố khó khăn mang tính “dai dẳng” và có thể tác động lâu dài là nợ công, thâm hụt ngân sách cao, dư địa chính sách tài khóa luôn trong tình thế hạn hẹp…
Đáng chú ý, hầu hết các dự báo của các tổ chức quốc tế gần đây như OECD, WB… đều nhận định kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm hơn so với năm ngoái, cũng như giảm kỳ vọng so với hồi đầu năm. Và đương nhiên điều đó sẽ có tác động đến Việt Nam, nhất là liên quan đến thương mại và đầu tư.
Ông Lực dẫn chứng, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược là các NĐT nước ngoài đối với các DN Việt Nam hiện nay không dễ dàng. “NĐT nước ngoài thận trọng hơn vì rủi ro trên thế giới nói chung và rủi ro trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tài chính hiện nay đều cao hơn”, ông cảnh báo.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) thì giữ quan điểm cho rằng, kinh tế vẫn đang tình trạng khó chồng khó. Chúng ta không thể cùng lúc đạt được tất cả các mục tiêu từ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, kìm nén nợ công, giải quyết nợ xấu…
Ông dẫn chứng, Trung Quốc muốn cân bằng, điều chỉnh mô hình kinh tế và đã phải chủ động điều chỉnh giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Nên với Việt Nam, mức tăng trưởng năm nay ở khoảng trên 6% đã là tích cực.
Trong các dự báo mới nhất về triển vọng kinh tế Việt Nam, Cơ quan Thông tin kinh tế thuộc Tập đoàn The Economist (EIU) và Ngân hàng HSBC đều dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam ở quanh mức 6,3%. Theo HSBC, việc quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% - trong khi tăng trưởng quý I vừa qua không tốt cùng với những khó khăn đang vượt mức kỳ vọng đối với hoạt động xuất khẩu hiện nay - sẽ đặt gánh nặng lên nhu cầu nội địa.
“Điều này khiến chúng tôi lo ngại là các cơ quan quản lý sẽ cố nới lỏng tín dụng nhằm kích thích chi tiêu khối tư nhân, trong khi chi tiêu Nhà nước cũng có dấu hiệu gia tăng rõ rệt”, báo cáo của HSBC nêu quan điểm.
Và khi các yếu tố hỗ trợ kinh tế vĩ mô vẫn còn khá mỏng thì việc khuyến khích tăng trưởng kinh tế sẽ càng dẫn đến nhiều rủi ro. EIU cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% sẽ đặt nhiều áp lực hơn đối với chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, những nguy cơ mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay như dự trữ ngoại hối có cải thiện nhưng chưa cao; ngành Ngân hàng còn trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng, hay lạm phát có xu hướng tăng lên… lại đặt ra yêu cầu cần có chính sách tài khóa và tiền tệ cẩn trọng hơn.
Trong lúc dư địa cho nới tín dụng vượt trên mức 16-18% mục tiêu của năm nay không còn nhiều, dư địa cho hạ lãi suất cũng không lớn và khoảng không cho điều hành chính sách tài khóa tiếp tục co hẹp lại thì có hai lựa chọn được đặt ra.
Thứ nhất, nếu chúng ta chấp nhận nới hơn đối với chính sách tiền tệ và tài khóa thì sẽ phải chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn, nợ công tăng nhanh hơn và có thể vượt ngưỡng an toàn… Như vậy, dù tăng trưởng được hỗ trợ nhưng rủi ro vĩ mô có thể trầm trọng hơn trong tương lai. Hoặc thứ hai, chúng ta phải chọn ưu tiên hàng đầu cho ổn định vĩ mô, chấp nhận tăng trưởng thấp và bền vững hơn.
Với các lựa chọn trên, các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng, ổn định vĩ mô nên là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách.