Để gia tăng sức mạnh của nền kinh tế
Kiên định mục tiêu chống đô la hóa | |
Chính sách điều hành tỷ giá: Bước tiến dài trong chống đô la hóa |
Tỷ giá danh nghĩa, hoạt động huy động và cho vay vốn bằng ngoại tệ trong những tháng đầu năm 2016 đều giảm, và với diễn biến này, tình trạng đô-la hóa trong năm nay sẽ tiếp tục giảm.
Một trong những giải pháp có tác động tích cực đến sự ổn định tỷ giá và hạn chế tình trạng đô-la hóa, đó là chính sách lãi suất tạo được sự chênh lệch lợi tức thu được giữa lãi suất VND và lãi suất ngoại tệ. Giải pháp này được NHNN thực hiện từ tháng 6/2011, với quy định trần lãi suất huy động ngoại tệ là 2%/năm và tiếp tục hạ thấp dần, trong khi đó mức lãi suất huy động bằng VND được quy định tối đa ở mức 14%/năm thời điểm đó.
Mặc dù vậy, tình trạng đô-la hóa (ở đây đánh giá bằng tiêu chí tiền gửi ngoại tệ của các NHTM) đến gần về cuối năm 2011 vẫn không được cải thiện. Mức độ đô-la hóa chỉ thực sự giảm dần kể từ tháng 4/2012. Nguyên do lạm phát trong giai đoạn từ tháng 6/2011-3/2012 vẫn ở mức cao. CPI bắt đầu giảm dần từ mức 14,15% so với cùng kỳ của tháng 3/2012 xuống mức 1,84% cuối năm 2014.
Ảnh minh họa |
Có thể thấy, khi có sự chênh lệch lãi suất thực cùng với cam kết của Thống đốc NHNN về việc ổn định tỷ giá đã làm thay đổi hành vi thị trường, tạo điều kiện cho NHNN mua ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối. Theo thống kê, năm 2012 tài sản có ngoại tệ của NHNN tăng gần 13 tỷ đô-la, qua đó tăng cung ngoại tệ tạo sự bình ổn tỷ giá. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/M2 chỉ ở mức 12% cao hơn 1,2% so với cuối năm 2014, do năm 2015 có sự biến động về tỷ giá tạo kỳ vọng nắm giữ ngoại tệ.
Chính sách lãi suất 0% đối với tiền gửi ngoại tệ được áp dụng từ 18/12/2015, đây là lộ trình tiếp theo của chính sách lãi suất tạo sự chênh lệch lợi tức đã được thực hiện từ năm 2011. Chính sách này, cùng với việc đổi mới cơ chế điều hành tỷ giá và hạn chế trường hợp vay vốn ngoại tệ thực sự đã có tác động tích cực đến diễn biến thị trường tiền tệ.
Điển hình là tỷ giá ổn định và có xu hướng giảm nhẹ. Tính đến hết tháng 4/2016 tỷ giá danh nghĩa giảm 0,79% so với cuối năm 2015, trong cùng thời gian này, huy động ngoại tệ của dân cư và cho vay giảm nhẹ khoảng 0,2%. Trong khi kiều hối vẫn tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm nay. Với diễn biến này, mức độ đô-la hóa trên tài sản có và tài sản nợ đều tiếp tục giảm trong năm 2016.
Tuy nhiên, điều các chuyên gia kinh tế đang lo ngại là việc hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ dân cư xuống mức 0%, sẽ làm tăng tiền gửi ngoại tệ không kỳ hạn, gây ra mất cân đối kỳ hạn. Không thu hút được ngoại tệ trong dân, trong khi nhu cầu vay vốn ngoại tệ còn rất lớn buộc các NHTM phải “vận dụng” mọi hình thức với nguồn vốn ngoại tệ. Làm gia tăng rủi ro và quan trọng hơn khi lãi suất ngoại tệ bằng 0% sẽ khó thu hút được ngoại tệ từ nước ngoài trở về, trong đó có kiều hối gửi về đầu tư tài chính.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nếu tiếp tục kiên định mục tiêu chuyển từ vay mượn sang mua bán ngoại tệ, thì chính sách lãi suất bằng 0% sẽ phát huy tác động tích cực trong điều kiện tỷ giá ổn định, lạm phát ở mức mục tiêu, lòng tin thị trường được cải thiện.
Để hạn chế mặt tiêu cực cần tăng cường năng lực thanh tra, giám sát nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách hạn chế cho vay ngoại tệ và các sản phẩm phái sinh liên quan đến gửi và vay ngoại tệ. Mặt khác, cần phát triển thị trường ngoại hối, tăng cường các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, có chính sách quản lý ngoại hối, xuất khẩu lao động phù hợp để thu hút kiều hối.
Song, không nên kéo dài chính sách lãi suất ngoại tệ 0%, bởi nền tảng căn bản của chống đô-la hóa và ổn định tỷ giá là sức mạnh thực sự của nền kinh tế, giảm thâm hụt thương mại. Do vậy, nó cần luôn được xem xét, đánh giá tính phù hợp để kịp thời có những điều chỉnh kịp thời và chính xác nhằm phát huy tối đa mặt tích cực.