Hỗ trợ DN, đưa nền kinh tế vượt khó
Luật hỗ trợ DNNVV: Thừa còn hơn thiếu | |
Hơn 2,85 tỷ đồng hỗ trợ DN Hà Nội phát triển thương hiệu trong năm 2016 | |
NHNN đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận vốn hiệu quả |
Nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), tạo điều kiện thuận lợi cho DN đang được nâng lên tầm cao mới. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết liên quan đến vấn đề này: Nghị quyết 19 về cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 ban hành ngày 28/4; và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 ban hành ngày 16/5/2016.
Quyết liệt cải thiện MTKD
Không chỉ bó gọn trong nhiệm vụ hàng năm như những Nghị quyết liên quan đến vấn đề này ban hành trước đây, một dấu ấn mới đang được đặt ra tại Nghị quyết 35, đó là tầm nhìn và mục tiêu đã được đặt ra dài hạn hơn nhiều.
“Lần đầu tiên chúng ta có một Nghị quyết kéo dài cả nhiệm kỳ như vậy. Nó cho thấy cam kết của Chính phủ trong cả nhiệm kỳ và thể hiện một bước đi, một tầm nhìn dài trong hỗ trợ và phát triển DN”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý.
Ảnh minh họa |
Về các giải pháp cụ thể, Nghị quyết 35 cũng nhấn mạnh, các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Đồng thời với đó là các giải pháp cụ thể mà các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải thực hiện để giảm chi phí kinh doanh cho DN.
“Đó là một cách nhìn rất thực tiễn, đánh trúng vào vấn đề. Bởi đúng là hiện nay, nhìn lại chỉ thấy chi phí tăng và tăng: tiền thuê đất đai tăng, phí vận tải tăng… và đang ở các mức cao so với các nước, tạo ra khó khăn cho DN”, ông Tuấn bình luận thêm.
Một cơ chế đối thoại cũng được mở ra rất cụ thể, trong nỗ lực tiếp tục cải cách hành chính tạo thuận lợi cho DN. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng DN, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trên địa bàn...
“Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cần các đối thoại một cách thực chất, tạo cơ hội để các DN được nói, được gặp những người đứng đầu tỉnh. Đối thoại cũng là để các sở, ban, ngành có trách nhiệm cao hơn trong giải trình những vấn đề mà DN nêu ra…”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Và để “kiểm chứng” những kết quả đạt được có như kỳ vọng đặt ra tại Nghị quyết 35, một phương án đánh giá và giám sát đã lần đầu tiên được Chính phủ “đặt hàng” VCCI, đó là tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức và không chính thức đối DN. Quan trọng hơn là so sánh chi phí đó với khu vực và quốc tế và đề xuất các giải pháp để giảm.
Trong khâu tổ chức thực hiện, Nghị quyết 35 yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với VCCI xây dựng và công bố Bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và định kỳ hàng năm khảo sát, đánh giá, xếp hạng kết quả trên...
Từ góc độ cá nhân, ông Tuấn còn kỳ vọng Việt Nam xây dựng được một bộ chỉ số riêng dành cho khu vực DN tư nhân trong nước, đánh giá thật sát độ phát triển khối DN này thông qua các chỉ tiêu đánh giá về khả năng mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ, khai thác lợi thế trong hội nhập… Bởi nếu chỉ đánh giá các DN nói chung thì có thể mọi người sẽ không thấy được thực chất sức khỏe của khu vực tư nhân trong nước khi mà khu vực FDI đang có phần lấn át.
Tháo gỡ khó khăn về vốn
Nghị quyết 35 cũng nêu yêu cầu và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN. Theo đó, các vấn đề chủ yếu được đặt ra trong phần giải pháp có liên quan đến hệ thống NH, bảo lãnh tín dụng cho DNNVV và phát triển thị trường vốn.
Góp ý kiến về phía hệ thống NH, theo TS. Cấn Văn Lực, một mặt NHNN cần nghiên cứu cơ chế đẩy nhanh tiến độ về tái cấp vốn để giúp tăng hiệu quả quay vòng vốn, mặt khác xem xét sửa đổi quy trình cho vay, ví dụ Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của NHNN về việc Ban hành Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng.
Với các NHTM, chỉ đạo của Chính phủ ở đây là các NH cần nỗ lực giảm đi các thủ tục hành chính trong cấp tín dụng và thời gian xét duyệt tín dụng, như trước đây 30 ngày thì tiến tới phải ngắn hơn. Còn các thủ tục cụ thể nào có thể giảm được thì điều này phụ thuộc vào từng NH.
Liên quan đến vấn đề bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua NH Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan và có báo cáo trình Chính phủ ngay trong quý III/2016.
Theo TS. Lực, có 3 vấn đề cần sửa đổi. Thứ nhất, cần tăng cường năng lực thẩm định bảo lãnh tín dụng của cán bộ bên bảo lãnh. Thứ hai, cần cải tiến tốt hơn trong phối hợp giữa các NHTM và các bên bảo lãnh, đơn cử như trong công tác thẩm định. Thứ ba, các bên bảo lãnh này cần có cơ chế để trích lập và dự phòng rủi ro.
“Quỹ này cần có một cơ chế để trích lập và dự phòng rủi ro, bảo lãnh và chấp nhận một tỷ lệ nợ xấu nhất định. Có như vậy thì hoạt động bảo lãnh mới được mở rộng hơn, tránh trường hợp DN phải thật “ngon”, thật tốt mới được bảo lãnh. Như vậy thì mỗi năm sẽ chỉ bảo lãnh được rất ít”, TS. Lực nhận định.
Nhưng giải pháp lâu dài, cốt lõi hơn để kênh vốn cho DN được mở rộng và bền vững, qua đó giảm bớt áp lực lên vai của hệ thống NH chính là phát triển thị trường vốn một cách đa dạng, cân bằng và có chiều sâu hơn.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thị trường tài chính Việt Nam hiện nay như kiềng 3 chân khập khiễng, phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống các TCTD, trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu chưa phát triển.
“Với tổng tài sản hệ thống NH hiện chiếm tới 76% hệ thống tài chính, so với bình quân ASEAN chỉ khoảng 42%, tín dụng NH bằng 100% GDP khi bình quân ASEAN là 70% GDP, trong khi đó tỷ lệ vốn hóa chứng khoán chỉ bằng khoảng 34% GDP, so với bình quân ASEAN là 66% GDP; tỷ lệ vốn hóa thị trường trái phiếu chỉ bằng 22% GDP trong khi bình quân ASEAN là 54%, thì rõ ràng cần phát triển mạnh thị trường chứng khoán và trái phiếu, tạo kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV lưu ý. |