Ngân hàng “chia lửa” cùng DN
Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Thống đốc | |
Ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay | |
Nhiều ngân hàng lớn hạ lãi suất cho vay |
Mặt bằng lãi suất đang khá mềm
Ngay sau lời hiệu triệu của Thống đốc NHNN tại cuộc họp với những NH có quy mô lớn trong hệ thống, các NHTM Nhà nước đã đi tiên phong giảm lãi suất cả kỳ hạn ngắn lẫn trung, dài hạn cho khách hàng. Không chỉ các NHTM Nhà nước lớn, các NHTMCP cũng nhanh chóng nhập cuộc giảm lãi suất sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN như SHB, Techcombank…
Đối với các khoản cho vay ngắn hạn, tùy từng NH xem xét giảm lãi suất 0,5% - 1%/năm so với mức lãi suất hiện hành. Riêng với các khoản vay trung, dài hạn được nhiều NH áp dụng không quá 10%/năm. Có thể nói đây là mức lãi suất cho vay trung, dài hạn thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Những khách hàng tốt đang được các NH săn đón rất tích cực |
Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê chia sẻ lý do NH này chỉ áp dụng lãi suất 10%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn: NH muốn chia lửa với DN. Qua đó, giúp DN vượt qua khó khăn thời điểm hiện tại đồng thời tiếp tục mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh.
Tổng giám đốc một NHTMCP quy mô nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh cho rằng, không phải bây giờ khi có lời hiệu triệu của Thống đốc NH này mới giảm lãi suất cho vay, mà mấy năm vừa qua NH đã chủ động giảm lãi suất khá nhiều cho các khách hàng, nhất là với những khách hàng tốt, khách hàng hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên với lãi suất rất thấp.
Có những khách hàng được NH cho vay chỉ với lãi suất 4%/năm - thấp hơn lãi suất huy động. Như vậy, có thể thấy dù chưa thực hiện việc giảm thêm lãi suất như lời kêu gọi của Thống đốc thì hiện mặt bằng lãi suất dành cho đối tượng khách hàng trên đã khá “mềm”. Thậm chí chấp nhận cho vay hòa vốn để mở rộng đối tượng khách hàng. Bởi những khách hàng tốt đang được các NH săn đón rất tích cực.
Lãi suất cũng phải “so bó đũa, chọn cột cờ”
Nhưng để hệ thống NH đưa ra một chương trình giảm lãi suất đồng bộ thì theo đánh giá của cả người ngoài cuộc lẫn người trong cuộc thực sự là chưa làm được. “Không phải NH nào cũng có thể giảm sâu lãi suất cho vay, dù họ rất muốn. Nhất là với các NHTMCP nhỏ, họ vốn không có lợi thế vốn giá rẻ nên sẽ phải cân đối các loại chi phí để không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận NH và còn dễ ăn dễ nói với các cổ đông”, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn bày tỏ.
Quả thực, hiện nay lãi suất huy động dài hạn ở nhiều NH trung bình đang ở mức 7-8%/năm. Nếu cho vay trung và dài hạn chỉ dưới 10%/năm, tỷ suất sinh lợi của NH rất thấp. Như thế, NH sẽ phải lựa chọn DN tốt để cho vay hay nói cách khác họ phải “so bó đũa chọn cột cờ” chứ không phải bất cứ DN nào cũng được hưởng mức lãi suất này.
Như tại OCB, Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết, ngoài DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, đối tượng khách hàng mục tiêu mà NH muốn phát triển thị phần là DN được hưởng lợi từ TPP, những DN FDI mới, liên quan đến ngành dệt may hoặc những ngành cung cấp sản phẩm cho chuỗi kinh doanh toàn cầu như cung cấp các vật tư, các thiết bị công cụ… sẽ được NH cho vay với lãi suất ưu đãi. Còn với các khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản… chắc chắn NH không giảm lãi suất.
Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, tuy không phân biệt DN lớn, nhỏ hay nội, ngoại, nhưng lãi suất cho vay cũng như cấp hạn mức tín dụng sẽ được NH này căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, mức độ xếp hạng tín nhiệm của DN... Đương nhiên, DN làm ăn hiệu quả sẽ được hưởng mức lãi suất tốt.
Chưa có điều kiện giảm mạnh lãi suất cho vay, nhưng lãnh đạo một NHTMCP nhỏ cho biết kế hoạch “chia lửa” với DN: NH cố gắng rút ngắn thời gian thẩm định phê duyệt hồ sơ vay vốn, nhu cầu vốn của khách hàng được đáp ứng một cách nhanh chóng, chất lượng tốt nhất.
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, động thái giảm lãi suất cho vay của một số NH là nỗ lực rất lớn. Và nếu giữ được mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay cũng đã là thành công. Bởi có nhiều yếu tố đang không thực sự ủng hộ cho các NH như áp lực lạm phát, tỷ giá… Quan trọng nữa, theo lãnh đạo nhiều NH là giá vốn dựa trên cung – cầu thị trường. Để duy trì được mặt bằng lãi suất thấp ổn định, cũng đã có NH chủ động đề xuất các giải pháp với cơ quan quản lý, Chính phủ để hỗ trợ tốt hơn nữa cho khách hàng như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…
Theo phân tích của một lãnh đạo NH, nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các NH tiết giảm chi phí đầu vào nhưng dự trữ bắt buộc còn liên quan đến nhiều mục tiêu chính sách tiền tệ khác. Do đó, nếu có chấp thuận đề xuất trên, NHNN phải tính toán rất kỹ việc cân đối cung tiền cho nền kinh tế và yếu tố chi phí của TCTD để đưa ra chính sách hợp lý.
Không bình luận về khả năng các NH có tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn nữa hay không, điều mà TS. Trần Du Lịch quan tâm là các DN được tiếp cận vốn ra sao, lãi suất bình quân mà họ phải trả là bao nhiêu…
Một chuyên gia khác lại mong muốn tính kỷ luật ngân sách sẽ được cải thiện tốt hơn trong thời gian tới để lượng trái phiếu chính phủ phát hành giảm bớt, không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất NH. Với việc Chính phủ lên kế hoạch trong năm nay phát hành trái phiếu lên tới 220.000 tỷ đồng, trong đó 80 - 85% khách hàng mua là các NH thì rõ ràng nguồn vốn giá thấp cho tín dụng đang bị vơi đi rất nhiều.
Vị này nhấn mạnh sự cần thiết đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường tài chính, trong đó có thị trường vốn: trái phiếu DN, TTCK... Và một điều chắc chắn nếu nền kinh tế muốn tăng trưởng bền vững thì không thể để hệ thống tài chính phát triển một cách khập khiễng như hiện nay.